Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao: Gia tăng giá trị hạt gạo

VTV Digital-Thứ ba, ngày 12/12/2023 06:02 GMT+7

VTV.vn - Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại đồng bằng sông Cửu Long mở ra cơ hội gia tăng giá trị hạt gạo, gia tăng thu nhập cho chính bà con nông dân.

Ngày 11/12, Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã chính thức khai mạc tại Hậu Giang. Sự kiện diễn ra khi nước ta đang hướng tới trở thành quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng, giảm phát thải, phát triển theo hướng xanh và bền vững. Trước đó, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao cũng đã được Chính phủ phê duyệt.

Ngay sau khi đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp được phê duyệt, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các chuyên gia của Ngân hàng thế giới đã trực tiếp đi kiểm tra khảo sát sự chuẩn bị của các địa phương tham gia trực tiếp vào đề án.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh An Giang trên 50% diện tích lúa, tương đương khoảng trên 100 nghìn ha đã được trồng theo mô hình giảm phát thải. Vì vậy, khi đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được phê duyệt tỉnh đã nhanh chóng triển khai các bước để sớm thực thi đề án.

Ông Nguyễn Sỹ Lâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, cho biết: "Ngành nông nghiệp đang phối hợp với các sở ban, ngành và địa phương để sớm tham mưu Ủy ban tỉnh ban hành kế hoạch triển khai đề án này ngay trong tháng 12, phấn đấu diện tích đến năm 2025 đạt 100 nghìn ha lúa canh tác và đến năm 2030 sẽ đạt 150 nghìn ha canh tác".

Còn tại tỉnh Long An, dự kiến tỉnh sẽ tham gia đề án với 60.000 ha, trong đó, có hơn 81% diện tích ứng dụng phương pháp trồng 1 phải 5 giảm.

Ông Nguyễn Văn Anh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Phát, Long An, nói: "Theo tập quán thì bà con dùng tới 10 bao phân, hiện nay có 6,7 bao thôi. Thuốc thì hạn chế trừ sâu, rầy chỉ phun 1 lần".

Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 dù mới được phê duyệt, nhưng 12 tỉnh, thành trong khu vực đã sẵn sàng từ sớm. Dự kiến, ngay trong vụ Đông Xuân này, sẽ có từ 180.000 - 200.000 ha tham gia thực hiện.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao: Gia tăng giá trị hạt gạo - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định: "Trước hết chúng tôi đã thấy các chủ nhiệm HTX và thành viên HTX có sự chuyển đổi tư duy rất lớn và đều thống nhất rất cao trong việc triển khai lúa theo chương trình canh tác bền vững, đặc biệt là các mô hình 1 phải - 5 giảm rất hiệu quả và các doanh nghiệp cũng rất là đồng tình việc bao tiêu sản phẩm này".

Giai đoạn đầu của Đề án phấn đấu nâng mức lợi nhuận bình quân của nông dân đạt trên 40%. Theo khảo sát của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, mục tiêu này là khả thi bởi chỉ áp dụng các giải pháp kĩ thuật, bà con đã có thể giảm chi phí đến 3,5 triệu đồng/ha.

Tăng thu nhập nhờ đề án 1 triệu ha lúa chất lượng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ vị thế cường quốc xuất khẩu gạo, Việt Nam đang dần chuyển từ tư duy sản lượng sang chất lượng và có trách nhiệm về môi trường. Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng mở ra cơ hội gia tăng giá trị hạt gạo, gia tăng thu nhập cho chính bà con nông dân.

Theo Cục Trồng trọt, Đề án sẽ giúp chi phí sản xuất giảm 20%, nghĩa là tiết kiệm tới 9.500 tỷ đồng, thông qua áp dụng quy trình canh tác bền vững, tổ chức lại sản xuất thì sẽ góp phần đảm bảo ổn định giá bán lúa và dự kiến giá bán lúa sẽ tăng 10% so với canh tác truyền thống. Theo đó, ước tính phạm vi 1 triệu ha lúa vùng chuyên canh, lợi nhuận từ sản xuất tăng lên khoảng hơn 16.000 tỷ đồng. Ngoài ra, nông dân cũng có thể tăng thêm lợi nhuận từ bán tín chỉ carbon.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao: Gia tăng giá trị hạt gạo - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Nhiên, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh An Giang, chia sẻ: "Hiện nay, đối với giá lúa như thế này thì nông dân cũng có lợi nhuận tương đối cao trong năm 2023. Khi triển khai đề án 1 triệu ha này tôi nghĩ rằng trong đề án mình đã dự kiến tôi nghĩ rằng lợi nhuận của người nông dân sẽ được cao hơn nữa".

Bà Zhou Cheng, chuyên gia cao cấp tài chính - khí hậu, Ngân hàng Thế giới tại Singapore, nhận định: "Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong chương trình VNSat. Việt Nam đã trồng được lúa gạo phát thải thấp trong chương trình chuyển đổi nông nghiệp dự án VNSat của Ngân hàng Thế giới. Với đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, Ngân hàng Thế giới sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp cận tài chính carbon, tức là có thể bán được tín chỉ carbon đó trên thị trường carbon thế giới và tận dụng nguồn tài trợ của các quỹ về biến đổi khí hậu".

Sớm triển khai đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Trong nội dung buổi công tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các địa phương vừa qua, đã đưa ra nhiều giải pháp, phương hướng để thực thi đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Hiện chuỗi liên kết của ngành lúa gạo còn khá lỏng lẻo và rất thiếu, vì thế, muốn hiện thực hoá đề án thì hạn chế trên phải được giải quyết dứt điểm. Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, phải sớm hình hành các chuỗi giá trị sản xuất hàng hoá với 3 thành tố là nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trong sản xuất lúa gạo.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao: Gia tăng giá trị hạt gạo - Ảnh 3.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: "Đối với người nông dân trước hết phải chuyển đổi tư duy và phải thực hành chương trình sản xuất bền vững theo hướng dẫn của ngành. Đối với HTX phải có nhiệm vụ tập trung quy mô diện tích sản xuất, sẽ hỗ trợ cho nông dân vấn đề đầu vào vật tư, vấn đề đầu ra. Một tiêu chuẩn đặt ra đối với các doanh nghiệp là phải cam kết thu mua lúa gạo giảm phát thải góp phần phát triển thị trường lúa gạo giảm phát thải.

Cũng trong hoạt động khảo sát của đoàn có sự tham gia của đại diện Ngân hàng Thế giới, đơn vị sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc bán tín chỉ carbon cũng như tận dùng các nguồn tài trợ về biến đổi khí hậu. Qua buổi khảo sát, người nông dân và các địa phương đã nắm được các quy định để nhận được sự hỗ trợ của tổ chức này.

Bà Zhou Cheng, chuyên gia cao cấp tài chính - khí hậu, Ngân hàng Thế giới tại Singapore, cho biết: "Có rất nhiều công việc cần phải làm từ cấp Chính phủ đến các địa phương và nhất là các HTX. Cần phải có những hỗ trợ kỹ thuật như HTX hỗ trợ người nông dân sản xuất theo đúng quy trình sản xuất bền vững để đạt kết quả phát thải carbon thấp. Sau đó, phải có những hỗ trợ kỹ thuật về ghi chép, tính toán, theo dõi lượng phát thải khí carbon này".

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Thế giới đã cam kết mua tín chỉ carbon ở mức 10 USD/tấn, bình quân 1 ha lúa có thể bán được tín chỉ ở mức khoảng 10 tấn carbon, tương đương với 100 USD.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước