Doanh nghiệp Mỹ phản đối thuế chống trợ cấp với tôm Việt Nam

Lê Minh - Trường Sơn-Chủ nhật, ngày 18/08/2013 12:00 GMT+7

Quan điểm của Liên minh tôm vùng vịnh Mỹ, cũng như phán quyết thiếu công bằng của Bộ Thương mại Mỹ về thuế chống trợ cấp với tôm Việt Nam đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ chính dư luận và các doanh nghiệp nước này.

Ngày 13/8 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã ra phán quyết cuối cùng áp mức thuế chống trợ cấp từ 1,15 đến 7,88% đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Phán quyết này xuất phát từ việc Liên minh tôm vùng vịnh của Mỹ có đơn kiện cáo buộc tôm nhập khẩu từ Việt Nam và một số nước khác nhận được sự trợ cấp của Chính phủ nên đã dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại cho ngành đánh bắt và chế biến tôm của Mỹ. Tuy nhiên, quan điểm của Liên minh tôm vùng vịnh Mỹ, cũng như phán quyết thiếu công bằng của Bộ Thương mại Mỹ đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ chính dư luận và các doanh nghiệp nước này.

Trong buổi điều trần tại Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ ngày 13/8, các nhà nhập khẩu và phân phối thủy hải sản lớn nhất nước Mỹ đã phản đối mạnh mẽ vụ kiện, cho rằng: tôm nuôi nhập khẩu từ Việt Nam và một số nước khác hoàn toàn không giống với tôm đánh bắt ở Mỹ, dành cho các đối tượng khách hàng khác nhau và do vậy không thể cạnh tranh với nhau. Vì thế, không thể nói tôm nhập khẩu từ Việt Nam gây thiệt hại cho ngành đánh bắt, chế biến tôm đánh bắt từ tự nhiên của Mỹ.

‘ Các doanh nhân và chuyên gia Mỹ ủng hộ Việt Nam .

Ông Guy Pizzuti, Giám đốc phụ trách thủy sản của Publix Super Markets cho biết: “Công ty chúng tôi có kế hoạch tiếp thị và tiêu thụ khác nhau cho từng mặt hàng trên. Ngay cả các nhà cung cấp của chúng tôi cũng không có hiện tượng cạnh tranh chéo. Các nhà cung cấp tôm nhập khẩu cạnh tranh với nhau và các nhà cung cấp tôm khai thác cũng vậy. Tôm nuôi có những ưu điểm mà tôm khai thác không thể có như sản lượng ổn định, chất lượng đồng đều và đảm bảo thời hạn giao hàng”.

Hiện nay, tôm đánh bắt và chế biến tại Mỹ chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu về các sản phẩm tôm của người dân nước này. 85% còn lại phải nhập khẩu từ bên ngoài, trong đó có từ Việt Nam. Theo các nhà nhập khẩu và phân phối lớn của Mỹ, tôm nuôi nhập khẩu có nguồn cung ổn định, chất lượng cũng như kích cỡ đồng đều. Đây là điều người tiêu dùng Mỹ cần, nhưng các nhà cung cấp tại Mỹ lại không đáp ứng được.

Ông Dino Ortolan, Nhà nhập khẩu thực phẩm đông lạnh cho Tập đoàn bán buôn Costco giải thích: “Yêu cầu của tập đoàn Costco là tôm sau khi đánh bắt, trong vòng 10 phút, phải đưa vào hệ thống làm lạnh ở dưới 40 độ F. Như vậy mới có thể đảm bảo độ tươi ở mức độ tốt nhất. Nhưng các nhà đánh bắt tôm nội địa không thể đáp ứng tiêu chuẩn này vì tôm đánh bắt còn mất thời gian từ khơi vào bờ. Và chỉ có tôm nuôi ở các đầm mới có thể đảm bảo yêu cầu này”.

Tại phiên điều trần, nhiều doanh nghiệp Mỹ khuyến cáo rằng nguồn cung tôm đông lạnh từ các nước xuất khẩu đang suy giảm do dịch bệnh, trong khi nhu cầu của thị trường thế giới ngày càng tăng. Và nếu bị áp thuế, thì các nước xuất khẩu sẽ ưu tiên cho các thị trường khác. Trong khi đó, người dân Mỹ vẫn có nhu cầu ăn tôm nên sẽ phải chịu thiệt thòi khi không có nguồn hàng phong phú và sẽ phải trả nhiều tiền hơn để mua tôm nhập khẩu do phải gánh thêm một khoản thuế.

Ngay khi phiên điều trần này kết thúc thì Tạp chí thủy sản của Mỹ đã có bài viết bình luận việc Liên minh tôm vùng vịnh tìm cách thúc đẩy vụ kiện là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh. Và thiệt hại trước mắt và trực tiếp nhất chính là các nhà sản xuất tôm của cả Mỹ và Việt Nam bởi những chi phí mà họ đã phải bỏ ra để theo đuổi vụ kiện này trong gần một năm qua.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước