Doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng gì về Hiệp định RCEP?

-Thứ năm, ngày 23/05/2019 14:56 GMT+7

Bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Tài chính và bà Trịnh Thị Thu Hiền Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa - Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương trả lời câu hỏi từ phía doanh nghiệp

VTV.vn - Các doanh nghiệp đã có cơ hội trao đổi với Đoàn đàm phán Hiệp định RCEP về các vấn đề, lĩnh vực cụ thể mà doanh nghiệp quan tâm hoặc có lợi ích.

Sáng nay (23/5), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương (MOIT) và Đoàn đàm phán của Chính phủ về RCEP tổ chức Hội thảo: Hiệp định RCEP - Tình hình đàm phán và những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm.

Hội thảo đã giúp doanh nghiệp cập nhật thông tin về tiến trình và xu hướng đàm phán RCEP, đồng thời tạo cơ hội để doanh nghiệp trao đổi với Đoàn đàm phán về các vấn đề, lĩnh vực cụ thể mà doanh nghiệp quan tâm hoặc có lợi ích.

Doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng gì về Hiệp định RCEP? - Ảnh 1.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương – Đoàn Đàm phán Chính phủ về RCEP phát biểu tại hội thảo

Đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN (trong đó có Việt Nam) và 06 đối tác (là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand) bắt đầu từ năm 2013 và hiện đang đi vào giai đoạn cuối. Khi hoàn tất, RCEP sẽ tạo ra một khu vực mậu dịch tự do rộng lớn, bao trùm nhiều đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam. Đặc biệt, với sự tham gia của các đối tác là nguồn cung nguyên liệu lớn cho Việt Nam (như Trung Quốc, Hàn Quốc…), việc hài hòa quy tắc xuất xứ cùng các quy định tạo thuận lợi thương mại trong RCEP hứa hẹn sẽ tạo ra những chuỗi giá trị khu vực mới, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế quan trong RCEP.

Mặc dù tiến trình đàm phán RCEP đã bước sang năm thứ sáu, nhưng các cuộc đàm phán về các vấn đề chính vẫn chưa được hoàn tất. Các quốc gia thành viên vẫn chưa hoàn thành số lượng hàng hóa sẽ được loại bỏ thuế quan.

Tại hội thảo, Đoàn đàm phán RCEP của Chính phủ cũng đã trình bày về các khía cạnh cam kết quan trọng nhất của Hiệp định (thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, quy tắc…). Đoàn đàm phán và doanh nghiệp cũng đã tham vấn, trao đổi trực tiếp về các vấn đề liên quan nhằm giúp tiến trình đàm phán bám sát, phục vụ tối đa lợi ích của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng gì về Hiệp định RCEP? - Ảnh 2.

Rất đông doanh nghiệp đã tới tham dự buổi hội thảo

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI, nhu cầu của người tiêu dùng trong khu vực RCEP đối với các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh tương đối cao, đặc biệt là nông sản nhiệt đới, thực phẩm chế biến.

Từ đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể kỳ vọng Hiệp định RCEP sẽ giúp ưu đãi thuế quan được cải thiện hơn nữa, quy tắc xuất xứ nội khối được hài hòa, dễ đáp ứng hơn. Bên cạnh đó, các quy trình về hải quan sẽ được thống nhất, tạo thuận lợi thương mại hay phải xây dựng các quy tắc chung để hạn chế, kiểm soát các hàng rào phi thuế quan cũng như giảm chi phí dưới tác động của mở cửa thị trường dịch vụ phục vụ sản xuất.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng kỳ vọng một số thị trường dịch vụ sẽ mở hơn, đặc biệt là dịch vụ logistics, viễn thông..., nền tảng thương mại điện tử tốt hơn, Môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, cạnh tranh hơn…

Doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng gì về Hiệp định RCEP? - Ảnh 3.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa - Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương trình bày về quá trình đàm phán về quy tắc xuất xứ trong RCEP

Hiệp định RCEP hứa hẹn sẽ là sự bảo đảm cho tương lai tự do hóa cho khu vực trước xu hướng bảo hộ thương mại. Đây cũng là Lợi ích "dự trữ" cho doanh nghiệp trước nguy cơ bảo hộ ở các thị trường xuất khẩu lớn khác, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Dù vậy, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn những quan ngại về Hiệp định như không đạt được kỳ vọng về thị trường xuất khẩu hay kỳ vọng về "vùng lánh nạn RCEP" có thể không thành hiện thực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước