Khó thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ trong EVFTA

Trung Thịnh - Mạnh Thắng (Ban Truyền hình Đối ngoại)-Thứ tư, ngày 02/03/2016 10:00 GMT+7

VTV.vn - Đây cũng là vấn đề được đề cập trong hội thảo rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết sở hữu trí tuệ trong EVFTA vừa diễn ra tại Hà Nội.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) là một trong hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới lớn nhất của Việt Nam được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến thể chế pháp luật và kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Một trong những lĩnh vực của EVFTA được cho là sẽ có tác động trực tiếp và lớn tới hệ thống pháp luật Việt Nam là các cam kết trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Tại Điều 5.6 của EVFTA quy định về các căn cứ yêu cầu chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu của Việt Nam nếu nhãn hiệu đó chưa được “sử dụng thật sự”, tuy nhiên khái niệm “sử dụng thật sự” lại chỉ tồn tại ở các nước châu Âu, chứ không tồn tại ở Việt Nam. Điều này dẫn đến công tác thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ rất khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO & Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cho biết: “Điều mà chúng tôi phát hiện ra không phải là vấn đề pháp luật hiện tại mà dường như vấn đề khó khăn hơn, thách thức hơn lại là công tác thực thi. Những quy định trên thực tế như thế nào để quyền các chủ thể sở hữu trí tuệ được bảo vệ theo mức hợp lý và hiệu quả nhất”.

Ngoài khó khăn trong công tác thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ, Việt Nam còn cần lấy ý kiến về việc nên xây dựng một văn bản riêng phù hợp cho hiệp định thương mại tự do này hay sửa văn bản pháp luật chung cho phù hợp với tất cả các hiệp định thương mại để đảm bảo sự phát triển chung cho toàn xã hội. Đây là việc các cơ quan hữu quan của Việt Nam cần phối hơp tốt hơn để thực hiện.

Ông Andrew Holt - Bí thư thứ nhất Kinh tế và Chính trị, Đại sứ quán Vương quốc Anh - chia sẻ: “Hệ thống pháp luật Việt Nam về khuôn khổ pháp lý liên quan đến vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ là tương đối toàn diện. Tuy nhiên việc thực thi hiệu quả như thế nào cần phải được bàn đến và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam về vấn đề này. Vấn đề quan trọng ở đây là việc điều phối giữa các cơ quan hữu quan của Việt Nam cần phải được gắn kết hơn nữa trong hoạt động”.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp, chuyên gia cũng đưa ra các ý kiến bình luận về sở hữu trí tuệ nhằm giúp nhóm nghiên cứu có được cái nhìn đầy đủ hơn, tiếp tục xây dựng hệ thống pháp luật để tự tin hội nhập.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước