Kinh doanh bền vững: Chìa khóa tạo lợi thế cạnh tranh

PV-Thứ sáu, ngày 07/04/2023 16:27 GMT+7

VTV.vn - ESG giúp doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh trong tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường.

ESG là viết tắt của ba từ: Environmental (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị). Đây là các tiêu chí đánh giá sự thành công của một doanh nghiệp không chỉ dựa trên kết quả tài chính mà còn dựa trên các hoạt động liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị công ty. Các tiêu chí này đã được thảo luận ở nhiều góc độ, trong Hội thảo "Kinh doanh bền vững: Chìa khóa tạo lợi thế cạnh tranh" do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) được tổ chức vào chiều ngày 6/4.

ESG - Đòi hỏi của doanh nghiệp và các nhà đầu tư

Phát biểu tại Hội thảo "Kinh doanh bền vững: Chìa khóa tạo lợi thế cạnh tranh", bà Nguyễn Thị Thương Linh – Phó giám đốc VCCI Cần Thơ nhận định ESG đang là xu hướng tất yếu đối với các doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh trực tiếp, gián tiếp với thị trường EU. Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, Liên minh châu Âu (EU) đưa ra nhiều quy định khắt khe đối với hàng hoá nhập khẩu, đòi hỏi những hàng hoá đó phải được doanh nghiệp sản xuất trong quy trình thân thiện với môi trường, không sử dụng lao động cưỡng bức và gây tác hại đối với môi trường. Bản thân người tiêu dùng tại châu Âu, họ ưa thích hơn và sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm của doanh nghiệp áp dụng thực hành ESG. Do vậy, thực hành ESG là điều cần thiết, cấp bách, là con đường ngắn nhất để tăng cường năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững để thâm nhập thị trường khó tính này.

Kinh doanh bền vững: Chìa khóa tạo lợi thế cạnh tranh - Ảnh 1.

Hội thảo "Kinh doanh bền vững: Chìa khóa tạo lợi thế cạnh tranh"

Từ góc nhìn nhà đầu tư, ông Vũ Chí Công - Đại diện Quỹ Đầu tư Vina Capital, chia sẻ: Các doanh nghiệp nên coi thực hành ESG là cơ hội chứ không phải mối đe dọa để từ đó có thể thực hiện các thay đổi một cách chủ động. Gần đây, ngành dệt may và da giày Việt Nam mất nhiều hợp đồng vào tay các doanh nghiệp Băng-la-đét vì thực hiện ESG chậm hoặc chưa thực hiện ESG. Vina Capital cũng đã chấm điểm ESG đối với các công ty thuộc danh mục đầu tư và chuẩn bị đầu tư của quỹ.

Theo ông Nguyễn Phương Nam – Chuyên gia tư vấn Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC), thông tin tại một hội nghị trực tuyến thế giới về vốn xanh cho doanh nghiệp nhỏ diễn ra mới đây cho thấy, tất cả các doanh nghiệp châu Âu hay tổ chức tài chính châu Âu hiện nay nếu muốn đầu tư vào doanh nghiệp nào, thì doanh nghiệp đó phải có công bố báo cáo về ESG. Điều đó có nghĩa, ESG là yêu cầu tất yếu của doanh nghiệp, nếu muốn thu hút đầu tư hay các nguồn tài chính xanh từ các doanh nghiệp, quỹ đầu tư châu Âu.

Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng thực hành ESG

Thực hành ESG đang nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, tuy nhiên để thực hiện được doanh nghiệp cũng đối mặt với không ít thách thức, rất cần nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ, định hướng để phát triển bền vững và phù hợp với chiến lược của doanh nghiệp.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hành áp dụng ESG, Sáng kiến ESG Việt Nam năm 2023 của Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) do USAID tài trợ và Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) làm chủ dự án đã được triển khai. Đây là sáng kiến nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm xã hội, góp phần thực hiện Quyết định 167/QĐ-TTg 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững, hướng tới mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng các yêu cầu về phát triển xanh – bền vững trong sản xuất, thâm nhập thị trường quốc tế cũng như gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Kinh doanh bền vững: Chìa khóa tạo lợi thế cạnh tranh - Ảnh 2.

Bà Phan Thị Thái Hà – Trưởng hợp phần Hỗ trợ hệ sinh thái doanh nghiệp, dự án IPSC thông tin về sáng kiến ESG Việt Nam 2023

Được biết, Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 – Đợt 1 sẽ cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chuyên sâu có trị giá lên tới 2 tỷ đồng cho Top 3 doanh nghiệp giành chiến thắng chung cuộc để thí điểm, triển khai hoặc nhân rộng các sáng kiến kinh doanh bền vững xuất sắc nhất.

Top 10 doanh nghiệp sẽ được đào tạo, tư vấn chuyên sâu trong 4-6 tuần nhằm nâng cao hiểu biết về mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh doanh bao trùm, điều chỉnh, hoàn thiện mô hình kinh doanh lồng ghép các yếu tố ESG, và xây dựng, hoàn thiện kế hoạch triển khai ESG tại doanh nghiệp.

Tất cả các doanh nghiệp nộp hồ sơ tham gia và đáp ứng các tiêu chí của cuộc thi sẽ được: Đào tạo nâng cao hiểu biết về ESG, các công cụ đánh giá ESG từ góc nhìn của nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng, các thị trường xuất khẩu trọng tâm, và các quy định pháp luật liên quan; Hỗ trợ tiếp cận các đối tác trong và ngoài nước ở cả cấp trung ương và địa phương hỗ trợ hệ sinh thái kinh doanh bền vững nhằm phát triển mạng lưới, mở rộng quan hệ đối tác và học hỏi nâng cao kiến thức, kinh nghiệm về áp dụng ESG, kinh tế tuần hoàn và kinh doanh bao trùm; Nâng cao năng lực và khả năng tiếp cận các chương trình hỗ trợ của nhà nước, quỹ đầu tư, tổ chức tín dụng, và các tổ chức khác dành cho doanh nghiệp kinh doanh bền vững tại Việt Nam.

Đối tượng tham gia Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 gồm các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, và hộ kinh doanh: Có không quá 500 nhân viên toàn thời gian; Hoạt động trong các lĩnh vực gồm nông-lâm-ngư nghiệp, công nghiệp chế biến và chế tạo, công nghệ thông tin, logistics, du lịch và sản phẩm hỗ trợ; Có mô hình kinh doanh tuần hoặc kinh doanh bao trùm hiệu quả, tạo ra lợi nhuận; Có kế hoạch chuyển đổi hoặc mở rộng mô hình kinh doanh bền vững; Cam kết hành động để chuyển đổi/nhân rộng sáng kiến kinh doanh bền vững.

Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 được chính thức công bố ngày 22/11/2022, nhằm giúp các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã và hộ gia đình áp dụng tiêu chuẩn ESG. Mục tiêu là đến năm 2025, Sáng kiến sẽ cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật ESG cho 300 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình, trong đó 10 doanh nghiệp sẽ nhận được các hỗ trợ bổ sung để thí điểm, triển khai hoặc mở rộng các mô hình kinh doanh ESG sáng tạo.

Thông qua Sáng kiến ESG Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và USAID kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư cho bền vững trong doanh nghiệp tư nhân, qua đó góp phần tăng cường sức cạnh tranh, giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước