Tại Indonesia, có một nữ doanh nhân không chỉ giúp tạo việc làm cho nhiều phụ nữ địa phương, cô còn đang ấp ủ một sứ mệnh, đó làm sao khiến cho ngành công nghiệp thời trang trở nên bền vững và thân thiện với môi trường hơn, đồng thời cách mạng hóa cách nhìn của khách hàng về quần áo.
Cách đây vài năm, cô Denica Riadini-Flesch đã quyết định quay trở về sinh sống tại quê hương Indonesia. Cô nhanh chóng bị thu hút bởi những ngôi làng xa xôi, chẳng hạn như ngôi làng Toobin trên đảo Java.
Denica Riadini-Flesch - Giám đốc điều hành Công ty Sukkha Citta, Indonesia chia sẻ: "Khi đến đây, tôi thấy rằng có rất nhiều người phụ nữ mà cuộc sống của họ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi sự lựa chọn trang phục hàng ngày của chúng ta. Sau đó tôi nhận ra rằng, mình muốn xây dựng cầu nối giữa những khách hàng quan tâm đến nguồn gốc của quần áo trên khắp thế giới với chính những người phụ nữ đang hàng ngày làm ra nó, với chính những người phụ nữ đã trồng cây bông, làm ra sợi bông để làm quần áo".
Vào năm 2016, Denica Riadini-Flesch đã sử dụng khoản tiền tiết kiệm của mình để thành lập công ty Sukkha Citta, có nghĩa là "May mắn" trong tiếng Indonesia. Sứ mệnh của công ty là cùng với phụ nữ địa phương phục hồi các kỹ thuật mà tổ tiên của họ đã từng sử dụng từ xưa, chẳng hạn như sử dụng thực vật để tạo màu cho sợi bông.
Ông Betram Flesch - Nhà đồng sáng lập Công ty Sukkha Citta, Indonesia cho biết: "Chúng tôi muốn cho mọi người thấy rằng chúng ta có thể trồng cây bông theo cách có lợi cho môi trường, có lợi cho người nông dân mà không cần phải sử dụng tới hàng tấn thuốc trừ sâu và phân bón. Điều đó rất quan trọng bởi vì lượng khí thải lớn nhất mà ngành thời trang thải ra đến từ chất liệu, từ cách sợi vải được tạo ra và cả cách nhuộm vải".
Ngày nay, công ty đang tạo việc làm cho khoảng 1.500 phụ nữ địa phương. Họ làm việc trên những cánh đồng bông trải dài hơn 20 ha. Quần áo sản xuất ở đây được bán trực tuyến, qua mạng xã hội và tại hệ thống của cửa hàng của họ. Tuy nhiên thách thức lớn nhất là làm sao để thuyết phục khách hàng chi nhiều tiền hơn cho một sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường.
"Chúng tôi đã phải rất nỗ lực để giúp khách hàng nhận thức và cảm thấy có nhu cầu phải sử dụng những sản phẩm may mặc này. Và chúng tôi thực sự rất vui vì chúng tôi đã có thể đưa sản phẩm của mình đến hơn 30 quốc gia, điều này giúp chúng tôi duy trì và tạo việc làm cho phụ nữ tại các ngôi làng", Denica Riadini-Flesch nói.
Sau khi công ty thu về lợi nhuận, cô Denica đang có kế hoạch mở rộng trang trại trồng cây bông tại Indonesia lên 1.000 ha. Cô mong muốn rằng, ngày càng có nhiều khách hàng tại Indonesia và trên thế giới coi trọng các sản phẩm thân thiện với môi trường thay vì các sản phẩm rẻ tiền.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!