Liên kết “bốn nhà”: Nông dân thua thiệt!

Phương Anh -Chủ nhật, ngày 09/06/2013 07:00 GMT+7

Lúa giống được bà con phơi đi phơi lại nhiều lần, chất thành đống trong hội trường thôn Ấp Bắc. Ảnh: Báo Quảng Nam

 Câu chuyện tại hợp tác xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, Quảng Nam là một ví dụ điển hình về sự thiệt thòi cho người nông dân trong chương trình liên kết bốn nhà (nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp).

Từ năm 2009-2010, Công ty CP Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng đã ký kết với nông dân để sản xuất lúa giống vụ Đông Xuân. Sau khi xảy ra sự cố về chất lượng giống, họ chỉ chi trả cho nông dân một phần số tiền đã cam kết, số tiền còn lại, từ đó đến nay, doanh nghiệp này đã bỏ mặc người dân cùng với những khó khăn chồng chất.

“Nông dân trông có tiền cho con ăn học, trông có tiền thanh lý bớt thuốc trừ sâu, tái sản xuất. Với nông dân, số tiền trên 2 triệu là lớn rồi, nuôi con ăn học nộp 700-800 ngàn thấy to, bây giờ mà nghe lúa giống thấy sợ…”, ông Lê Tấn - người dân thôn Mỹ Tây, Đại Phong, huyện Đại Lộc, Quảng Nam bức xúc.

Do là đơn vị trực tiếp ký kết với doanh nghiệp, giờ không có tiền trả cho nông dân, vậy nên những cán bộ trong hợp tác xã Đại Phong 3 năm qua đều không được chi trả lương. Mọi nguồn thu của hợp tác xã, từ tiền điện đến thủy lợi phí, các cán bộ ở đây đều không thu được của người dân. Và địa phương này không phải là duy nhất của tỉnh Quảng Nam bị một số doanh nghiệp mắc nợ hoặc bỏ mặc nông dân vào thời điểm thu hoạch lúa giống.

Ông Lê Văn Đông, Chủ nhiệm HTX Đại Phong, huyện Đại Lộc, Quảng Nam cho biết: “Lúa 15.000 đồng họ mua mình 5.000 đồng. Không chỉ ép dân mà ép HTX, liên kết nông dân thiệt nhất, nông dân bỏ ra gian khổ, hưởng không được bao nhiêu, bây giờ sản xuất lúa giống cũng phải hứng chịu”.

Giải thích về sự cố trên, ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, Quảng Nam nói: “Trên địa bàn huyện có 11 công ty sản xuất liên doanh, về mặt Nhà nước, huyện có hướng dẫn liên kết giữa các công ty giống và HTX với nông dân, sự cố này ngoài ý muốn. Huyện chỉ đạo HTX nào khấm khá ứng trước cho dân, chỉ có cách đó chứ huyện không trợ giúp được nếu bị thời tiết, thiên tai”.

Chính quyền chưa có hướng giải quyết bảo vệ người dân, còn người nông dân cứ qua mỗi mùa vụ lại thêm một nỗi thấp thỏm. Nếu như thời điểm ký kết, người nông dân càng háo hức bao nhiêu thì nay, họ lại càng ngậm ngùi bấy nhiêu, bởi tất cả công sức của những con người quanh năm chân lấm tay bùn, giờ coi như trắng tay.

Những ngày này, đâu đó trên các trang báo lại xuất hiện tình trạng nông dân trồng lúa giống tại huyện Đại Lộc mòn mỏi chờ đợi doanh nghiệp thu mua lúa. Vậy ai sẽ là người bảo vệ nông dân?. Liệu tình trạng nông dân bị bỏ mặc có tiếp tục tái diễn?.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước