Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cho thấy, lần đầu tiên trong 7 năm qua, nền kinh tế thế giới đã tăng trưởng vượt trội hơn so với hầu hết các dự đoán và giới chuyên gia kỳ vọng đà tăng này sẽ tiếp diễn trong năm 2018. Dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm nay sẽ là 4,0%, cao hơn so với ước tính tăng 3,7% của cả năm 2017 và khởi sắc hơn rất nhiều so với con số 3,3% hồi năm 2016.
Tuy nhiên, bản báo cáo của Goldman Sachs cũng không loại trừ những yếu tố tiêu cực có thể ảnh hưởng đến đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó đáng chú ý nhất là việc các ngân hàng Trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ.
Các chuyên nhân định, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục có thêm ba đợt nâng lãi suất trong năm 2018 sau khi các điều kiện thị trường lao động và lạm phát diễn biến theo như kỳ vọng.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong năm nay được dự báo sẽ bắt đầu thắt chặt chính sách nới lỏng định lượng (QE). Hiện quy mô chương trình mua trái phiếu đã giảm xuống 30 tỷ Euro/tháng. Đây sẽ là bước đi đầu tiên hướng tới việc bình thường hóa lãi suất tại khu vực đồng Euro.
Theo nhận định, FED sẽ tiếp tục có thêm ba đợt nâng lãi suất trong năm 2018.
Còn tại Nhật Bản, Goldman Sachs nhận định Ngân hàng Trung ương BoJ cũng sẽ duy trì chính sách kiểm soát đường cong lãi suất, tuy nhiên sẽ tiến hành cắt giảm lượng phát hành của hầu hết các loại trái phiếu với nhiều kỳ hạn khác nhau trong tài khóa mới. Việc thắt chặt nguồn cung trái phiếu sẽ làm giảm lãi suất.
Dù việc thắt chặt chính sách tiền tệ trên phạm vi toàn cầu khó có thể gây biến động lớn cho các thị trường tài chính nhưng xu hướng này vẫn tiềm ẩn những rủi ro và nguy cơ đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế. Chính sách nới lỏng định lượng (QE) đã làm giảm lợi suất và đẩy giá tài sản lên cao, khiến cho các nhà đầu tư hướng tới các tài sản rủi ro hơn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!