Ngân hàng Thế giới khuyến nghị nhóm chính sách “không hối tiếc” dành cho Việt Nam

Tài Phan-Thứ năm, ngày 30/07/2020 19:39 GMT+7

VTV.vn - Ngân hàng Thế giới dự báo GDP Việt Nam năm nay tăng trưởng nhanh thứ 5 thế giới. Việt Nam có cơ hội đặc thù để tận dụng khủng hoảng COVID-19 nhờ sớm khống chế đại dịch.

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) tiêu đề "Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của COVID-19" được công bố hôm nay, thách thức lớn của Việt Nam là phải tìm ra những động lực tăng trưởng mới để củng cố quá trình hồi phục. Động lực tăng trưởng truyền thống của quốc gia – sức cầu từ nước ngoài và tiêu dùng trong nước – khó có thể sớm quay lại như trước khủng hoảng, vì vẫn còn nhiều yếu tố bất định cả trong nước và bên ngoài.

Trong trường hợp tình hình thế giới từng bước cải thiện, các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2020, khiến cho nền kinh tế sẽ đạt tăng trưởng khoảng 2,8% cho cả năm nay và 6,8% trong năm 2021. Nếu tình hình bên ngoài kém thuận lợi hơn, nền kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 1,5% trong năm 2020 và 4,5% trong năm 2021. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong lịch sử thống kê của Việt Nam, tuy nhiên, trong bối cảnh chung của thế giới, Việt Nam vẫn là điểm sáng.

Tác động do đại dịch gây ra có sự khác biệt lớn tùy theo từng ngành nghề

Ngành dịch vụ dễ bị tổn thương nhất với các biện pháp đóng cửa biên giới và cách ly xã hội. Ngành du lịch bị tổn thất khoảng 1 tỷ US$ mỗi tháng theo ước tính kể cả khi du lịch trong nước phục hồi vào tháng 5 và tháng 6 phần nào đã bù đắp cho những tổn thất trên. Ngành vận tải hàng khách cũng chịu bị ảnh hưởng về tài chính, trong đó hãng hàng không quốc gia (Việt Nam Airlines) báo cáo khoản lỗ đến 110 triệu US$ trong quý đầu của năm. Ngược lại, một số lĩnh vực - truyền thông và y tế - lại tăng cường hoạt động kể từ đầu khủng hoảng. Một số ngành kinh doanh mới cũng xuất hiện, bao gồm thương mại điện tử vốn đang đi lên ở Việt Nam trong vài năm qua cũng được đẩy mạnh.

Hầu hết các hoạt động nông nghiệp dường như không bị ảnh hưởng quá nhiều. Theo khảo sát, 90% người trả lời có tham gia hoạt động nông nghiệp vẫn đang sản xuất bình thường vào giữa tháng 6. Trong ngành công nghiệp, tác động của đại dịch có sự khác biệt lớn giữa các lĩnh vực ngành nghề. Mặc dù sản lượng công nghiệp tăng trưởng bình quân 0,2% trong sáu tháng đầu năm nhưng sản lượng ngành ô-tô bị giảm 14%. Ngược lại, sản lượng ngành in và phương tiện nghe nhìn lại tăng 44%.

Ngân hàng Thế giới khuyến nghị nhóm chính sách “không hối tiếc” dành cho Việt Nam - Ảnh 1.

Tác động của đại dịch có sự khác biệt lớn giữa các lĩnh vực ngành nghề công nghiệp

Do đó, COVID-19 cũng làm gia tăng bất bình đẳng vì đại dịch lần này tác động đến doanh nghiệp và người dân theo nhiều mức độ khác nhau, chẳng hạn người lao động ở các ngành dịch vụ bị giảm thu nhập hơn nhiều so với nông dân. "Để thích nghi với trạng thái bình thường mới, các nhà hoạch định chính sách cần tìm ra hướng đi mới để bù lại cho những động lực tăng trưởng truyền thống đang yếu đi, đồng thời quản lý được tình trạnh bất bình đẳng gia tăng", theo bà Stefanie Stallmeister, Quyền giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. "Tuy nhiên, nhờ đi trước các nước trong việc xử lý khủng hoảng COVID-19, Việt Nam có được cơ hội đặc biệt để tăng hiện diện của mình trên kinh tế toàn cầu và trở thành quốc gia đi đầu trong thế giới công nghệ số của ngày mai".

Kinh tế Việt Nam 2020: Bị tổn thương... nhưng sức chống chịu tốt

Tăng trưởng khu vực kinh tế đối ngoại và kinh tế trong nước không cùng tăng cùng giảm, mà có diễn biến ngược chiều, phần nào lý giải khả năng chống chịu tương đối tốt của kinh tế Việt Nam qua 2 giai đoạn kể từ đầu năm. Giai đoạn 1, từ tháng 1 đến giữa tháng 4, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng bình quân 13% mỗi tháng, phù hợp với xu hướng trước đó, còn các hoạt động kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng tiêu cực do các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại, đặc biệt vào tháng 4 khi chỉ số sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ đều giảm khoảng 20%. Giai đoạn hai, bắt đầu bằng việc nới lỏng giãn cách xã hội vào cuối tháng 4, chứng kiến sự phục hồi của các ngành sản xuất chế tạo và chế biến trong nước - tăng đến trên 30% từ tháng 4 đến tháng 6. Thế nhưng, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lại giảm 9% mỗi tháng từ tháng 4 đến tháng 6.

Ngân hàng Thế giới khuyến nghị nhóm chính sách “không hối tiếc” dành cho Việt Nam - Ảnh 2.

Tăng trưởng khu vực kinh tế đối ngoại giảm trong khi hoạt động kinh tế trong nước phục hồi

Theo báo cáo của WB, sau ba năm củng cố tình hình tài khóa giúp tạo được dư địa đáng kể, Việt Nam đã và đang có khả năng ứng phó với cú sốc COVID-19, với lượng ngân quỹ đáng kể được tích lũy - cỡ khoảng 8 tỷ USD vào cuối năm 2019. Chính vì vậy, Chính phủ không có nhu cầu bức thiết phải vay nợ trên các thị trường trong nước hay nước ngoài trong những tháng qua, rất khác với những gì được chứng kiến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Tài chính phát hành 96,1 ngàn tỷ đồng (khoảng 4,3 tỷ USD) trái phiếu chính phủ với kỳ hạn bình quân 14,1 năm và lãi suất hàng năm bình quân khoảng 3%, nghĩa là thấp hơn 14% so với 2019. Chính phủ Việt Nam chưa phải vay trên thị trường quốc tế hoặc phải yêu cầu các đối tác truyền thống hỗ trợ cho ngân sách.

Ứng phó kịp thời và hợp lý từ Chính phủ

WB đánh giá, phản ứng chính sách của Chính phủ Việt Nam với COVID-19 được cho là vừa có tầm nhìn vừa thực tiễn, với các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ theo thông lệ quốc tế, đồng thời thúc đẩy cải cách để giảm nhẹ tác động đối với các doanh nghiệp xuất khẩu và đẩy mạnh phát triển nền kinh tế số.

Báo cáo WB cũng chỉ ra 1 tính toán thú vị trong kinh tế học. Theo nghiên cứu của Imperial College, tỷ suất tử vong do COVID-19 nếu không có sự can thiệp của Chính phủ là 0,04%. Áp dụng số liệu trên cho Việt Nam có thể ngoại suy rằng chương trình của Chính phủ đã cứu mạng cho khoảng 40.000 người. Cũng theo nghiên cứu trích dẫn trong báo cáo WB, giá trị kinh tế xã hội sẵn sàng bỏ ra để hạn chế tử vong tại Việt Nam, đối với 40.000 người, tương đương khoảng 15 tỷ USD. Như vậy, thành quả này cao hơn tổn thất kinh tế đến thời điểm này, ước tính khoảng 6 tỷ USD, phần nào cho thấy sự hiệu quả trong bài toán cân đối mục tiêu kép của Việt Nam.

Ngân hàng Thế giới khuyến nghị nhóm chính sách “không hối tiếc” dành cho Việt Nam - Ảnh 3.

Kinh tế Việt Nam 2017 - 2022

Nhóm chính sách "không hối tiếc"

Trong bất cứ diễn biễn dịch bệnh nào thời gian tới, khuyến nghị chính sách được WB đưa ra kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội phục hồi và thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế dành cho Việt Nam.

Tiếp cận hệ thống thương mại toàn cầu mới: Việt Nam có thể củng cố dấu ấn hiện nay của mình trong nền kinh tế thế giới bằng cách hình thành các liên minh chiến lược với các quốc gia khác an toàn với COVID-19 để đẩy mạnh lưu chuyển hàng hóa và hành khách song phương. Quốc gia cũng có thể nhằm vào những ngành nghề đang cân nhắc đa dạng hóa chuỗi giá trị của họ khỏi các quốc gia láng giềng bằng cách tập trung vào các nỗ lực xúc tiến.

Xúc tiến thanh toán công nghệ số cho các mô hình kinh doanh mới: COVID-19 đã thúc nhanh quá trình chuyển đổi từ giao dịch bằng tiền mặt sang hệ thống thanh toán điện tử. Động thái đó có thể được đẩy nhanh bằng cách cho phép các nhà cung cấp dịch vụ khác nhau gia nhập thị trường dịch vụ tài chính công nghệ số. Đồng thời, các quy định mới cần được ban hành để quản lý việc mở tài khoản và cung cấp các tài khoản giao dịch giá trị thấp, cũng như đảm bảo vai trò đã thay đổi cho các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán bên thứ ba để họ tương tác với các hệ thống thanh toán và nâng cao hiệu suất chung trong giao thương hàng hóa và dịch vụ.

Xúc tiến khám chữa bệnh từ xa (và các dịch vụ không đòi hỏi tiếp xúc trực tiếp khác về giáo dục): Với động lực hiện hành và với sự hỗ trợ của lãnh đạo cấp cao nhất, khám chữa bệnh từ xa có thể được từng bước trở thành chủ đạo trong hệ thống cung cấp dịch vụ y tế. Vì khám chữa bệnh từ xa không nhất thiết đòi hỏi "kỹ thuật cao". Trước mắt nên ưu tiên cho những công nghệ đơn giản và không tốn kém, chẳng hạn thăm khám bằng điện thoại, là cách hiệu quả kinh tế để kết nối chuyên gia y tế với bệnh nhân.

Đẩy mạnh chia sẻ thông tin để tăng cường khả năng chống chịu: Khủng hoảng COVID-19 đã chứng tỏ nó làm thay đổi luật chơi về sử dụng dữ liệu và chia sẻ thông tin ở Việt Nam. Các quy định chung mới được ban hành về chia sẻ dữ liệu số và dữ liệu mở nên được kế thừa bởi các quy định và biện pháp cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực. Mục tiêu đặt ra là hình thành các hành vi có trách nhiệm hơn và hiệu quả hơn về sức khoẻ, đất đai, môi trường, tài nguyên thiên nhiên, thương mại và tài chính công.

Đặt mục tiêu về một nền kinh tế giảm thải các-bon: Sự gián đoạn về cung cầu năng lượng toàn cầu tạo ra cơ hội đặc thù để triển khai các chính sách và đầu tư phù hợp với khí hậu, không chỉ tốt cho môi trường mà còn thúc đẩy an ninh năng lượng và khả thi về tài chính. Đồng thời điều hòa nhu cầu và đa dạng nguồn cung, xúc tiến đầu tư cho xả thải các-bon thấp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước