Chính phủ Anh hết sức chật vật trong việc xử lý cổ phần của RBS. Ảnh minh họa: WSJ
Một bước đi được giới tài chính Anh đặc biệt quan tâm trong tuần này là việc Chính phủ Anh thông báo đã hoàn tất thương vụ bán gần 8% cổ phần Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) với giá 2,5 tỷ Bảng.
Thương vụ này của RBS được giới chuyên gia nhìn nhận là một minh chứng sống động cho thấy những thiệt hại kéo dài của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với nền kinh tế Anh dù đã hơn 10 năm trôi qua.
Ngay sau khi quyết định bán cổ phần được đưa ra, giới chức Anh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của thương vụ này với RBS nói riêng và hệ thống tài chính Anh nói chung.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Philip Hammond khẳng định: "Đây là một bước đi lớn trong việc biến RBS trở lại thành doanh nghiệp tư nhân, chấm dứt sự quản lý trực tiếp của chính phủ với lĩnh vực ngân hàng. Chúng ta đang để cuộc khủng hoảng tài chính lại quá khứ".
Đây cũng được xem là thành công vượt dự kiến, khi mà ban đầu, Chính phủ Anh lên kế hoạch bán cổ phần tại RBS kể từ tháng 3 năm sau.
Tuy nhiên, với thương vụ này, chính phủ đã chấp nhận bán lỗ tới 2,1 tỷ Bảng so với giá mua vào, kéo tổng số thiệt hại với tiền thuế của người dân Anh lên tới 5,4 tỷ Bảng. Chính phủ Anh hiện vẫn còn nắm giữ tới hơn 62% cổ phần của RBS.
Trong khi việc bán tài sản tại các ngân hàng khác diễn ra tương đối thuận lợi, Chính phủ Anh lại hết sức chật vật trong việc xử lý cổ phần của RBS.
Tháng 5/2018, RBS mới đạt được thỏa thuận nộp phạt với giới chức Mỹ về các trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng tài chính. Trị giá 5 tỷ USD, thỏa thuận này được xem là nhân tố quan trọng giúp thương vụ bán cổ phần vừa qua thành công.
Trong khi ngành ngân hàng đứng trước nhiều bất ổn kể từ sau Brexit, khả năng Chính phủ Anh thu về đầy đủ số tiền gần 140 tỷ Bảng từ các gói giải cứu ngân hàng được xem là rất khó khả thi.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!