“Nóng” mùa đại hội cổ đông năm 2023

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 29/04/2023 06:21 GMT+7

VTV.vn - Một mùa đại hội cổ đông đang diễn ra với nhiều câu hỏi "nóng", những phản hồi thẳng thắn. Vậy các doanh nghiệp niêm yết sẽ làm gì để tìm được điểm cân bằng?

Những câu chuyện làm nóng mùa đại hội cổ đông

Tháng 4 và tháng 5 là quãng thời gian sôi động trên thị trường đầu tư chứng khoán khi đây là thời điểm diễn ra hàng trăm đại hội đồng cổ đông của khối doanh nghiệp niêm yết. Những công bố về kết quả kinh doanh, những chia sẻ về kế hoạch hoạt động trong năm mới và đặc biệt là những lần đăng đàn hiếm hoi của các chủ doanh nghiệp và ngân hàng lớn thu hút sự quan tâm của dư luận.

Khi đi đại hội cổ đông thường có quà tri ân từ vật dụng như cốc chén, thẻ mua hàng cho đến thực phẩm hay thậm chí là cả tiền nhưng theo chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay món quà cổ đông cần nhất là món quà minh bạch.

“Nóng” mùa đại hội cổ đông năm 2023 - Ảnh 1.

Một mùa đại hội cổ đông đang diễn ra với nhiều câu hỏi "nóng", những phản hồi thẳng thắn.

Một năm qua là giai đoạn không dễ dàng với người đầu tư cổ phiếu khi thị trường giá xuống, nhiều người còn vào trạng thái "vô tình lướt sóng thành cổ đông", mà một khi đã là cổ đông xác định phải rất hiểu doanh nghiệp mà mình đang đầu tư chuyện làm ăn thế nào cho đến chia cổ tức ra sao?

Minh bạch là điều mà nhiều chủ doanh nghiệp dám trao cho cổ đông dù biết phản ứng là khá tiêu cực lên giá cổ phiếu.

Lấy trường hợp của Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai (HNG) làm ví dụ. Khi cổ đông hỏi: Liệu năm 2023 có lỗ tiếp vì lỗ tiếp là hủy niêm yết? Chủ tịch HNG ông Trần Bá Dương cho biết: Đã tìm được cách dần dần phục hồi cho doanh nghiệp nhưng cần thời gian, cái gì trước đây trong sổ sách để chỗ này để chỗ kia tránh lỗ thì năm nay cho lỗ hết, làm cho sạch rồi sau đó làm lại cho căn cơ.

Dám minh bạch nhận trách nhiệm dám làm là tinh thần được thấy ở nhiều doanh nghiệp trong mùa đại hội cổ đông trong năm nay. Tuy nhiên không phải đơn vị nào cũng dám chia cổ tức.

Cổ tức vẫn là câu chuyện khiến nhiều cổ đông tức lên tận cổ, đặc biệt với khối ngân hàng tư nhân đã nhiều năm chưa chia cổ tức như Sacombank hay Techcombank.

Với Sacombank họ còn vướng câu chuyện quy định pháp lý, nhưng với nhiều ngân hàng như Techcombank hay doanh nghiệp khác không chia cổ tức nhiều năm nay, lý do trả lời cổ đông vẫn chỉ là giữ nguồn lực phát triển, kỳ vọng cổ đông đồng hành sau này hưởng lợi nhiều lần.

Tuy nhiên có lẽ chia cổ tức hay không chỉ là vấn đề thuộc ý chí người lãnh đạo, vì có doanh nghiệp cũng gặp thách thức, nhưng với quan điểm của họ, cổ tức là quyền lợi tối thiểu cho một người cổ đông

"Giá cổ phiếu thì lúc lên lúc xuống cho nên cần chia cổ tức nhưng không phải chia là không có tiền đầu tư. Một năm chúng tôi vẫn để ra 8.000 - 10.000 tỷ tiền đầu tư", bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết.

Doanh nghiệp niêm yết thận trọng nhưng không bi quan về năm 2023

Mô tả về mùa đại hội đồng cổ đông năm nay thì thận trọng cũng là tính từ phù hợp. Rõ ràng trong bối cảnh nhiều thách thức ít doanh nghiệp dám đặt một kế hoạch kinh doanh tăng trưởng.

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2023 của 4 ngân hàng và doanh nghiệp tư nhân hàng đầu của 4 ngành là tài chính, bán lẻ, bất động sản và sản xuất, không doanh nghiệp nào dám đặt kế hoạch tăng trưởng quá một chữ số, có những đơn vị còn cài số lùi.

“Nóng” mùa đại hội cổ đông năm 2023 - Ảnh 2.

Nhưng đa phần doanh nghiệp đều cho rằng, trong nguy có cơ, khó khăn là lúc để doanh nghiệp nhìn lại mình, cắt bỏ những thứ không hiệu quả và tập trung vào những thứ tạo ra giá trị.

Ông Danny Le - Tổng Giám đốc, CTCP Tập đoàn Masan cho biết: "Doanh thu bán hàng tăng lên vào tháng 4 kỳ vọng tiếp tục đà này trong tháng 5 và 6. Nếu thách thức làm chúng tôi không đi được đúng như kế hoạch đề ra thì đây lại là cơ hội để chúng tôi gia tăng thị phần bằng cách linh hoạt hơn, sáng tạo hơn, tập trung vào tiết giảm chi phí cũng như tăng trải nghiệm công nghệ".

Giá cổ phiếu bao giờ tăng lại cũng là câu hỏi của nhiều nhà đầu tư trong mùa đại hội cổ đông nhưng có lẽ sau giai đoạn đầu tư dễ dãi, giờ nhiều nhà đầu tư cũng phải hiểu rằng, tăng trưởng thị giá gắn với tăng trưởng kinh doanh của doanh nghiệp mới bền vững và cái gì bền vững cần phải từ từ.

Trong các phát biểu của đại diện doanh nghiệp niêm yết có thể thấy tín hiệu đáng mừng là những chỉ đạo, hỗ trợ chính sách của Chính phủ đang có sự thẩm thấu. Doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng trở lại dần trong các quý tới khi mặt bằng lãi suất hạ nhiệt. Lĩnh vực bất động sản đang định hướng gần hơn với nhu cầu ở thực của xã hội hay đầu tư công tăng tốc

Năm nay là một mùa đại hội cổ đông không "nóng" về những con số tăng trưởng, nhưng lại rất "nóng" trong sự chuyển mình của cộng đồng doanh nghiệp niêm yết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước