Thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam có nhiều bước tiến mới

Hoàng Nam-Thứ sáu, ngày 19/05/2023 18:06 GMT+7

VTV.vn - Để tiếp tục đi sâu phát triển cả về chất lượng, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đã khởi động một loạt kế hoạch mới trong thời gian tới.

Thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam đã bước sang năm thứ 5 liên thông giao dịch với thị trường thế giới. Hiện Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đang niêm yết giao dịch 42 sản phẩm, liên thông với hầu hết các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Singapore và sắp tới sẽ liên thông với 3 sở giao dịch hàng hóa tại Trung Quốc.

Kể từ năm nay, MXV sẽ công bố bảng xếp hạng các thành viên của thị trường. Bảng xếp hạng này là một trong những tiêu chuẩn mang tính quốc tế được nhiều sở giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới áp dụng để doanh nghiệp và nhà đầu tư chọn lựa các thành viên chất lượng để giao dịch.

"Có một nguồn thông tin khách quan về doanh nghiệp của mình và các thành viên khác để tự đánh giá, điều chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đây là tiền đề thu hút thêm nhà đầu tư", ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), cho biết.

Thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam có nhiều bước tiến mới - Ảnh 1.

Hàng hóa tại cảng Cát Lái. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

Bên cạnh đó, MXV cũng đã thực hiện 2 ký kết quan trọng: thứ nhất là với Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) để được cung cấp giao dịch tài khoản, ngân hàng điện tử và nhiều dịch vụ đặc thù khác cho thị trường giao dịch hàng hóa; thứ hai là ký kết với Học viện Ngân hàng, để đẩy mạnh công tác đào tạo, phổ biến kiến thức.

"Ngành trọng tâm của MSB hướng tới là khách hàng xuất nhập khẩu. Một trong những biện pháp hạn chế rủi ro biến động hàng hóa là các doanh nghiệp phải chủ động trong biến động giá cả lên xuống để đảm bảo lợi nhuận của doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp nên chủ động phòng ngừa rủi ro và tiếp cận tham gia làm nhà đầu tư, đối tác của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam", ông Nguyễn Thế Minh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), cho hay.

"Mong muốn của sở giao dịch là ngoài doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng quan tâm đến thị trường để coi đây là kênh đầu tư mới, nhưng cũng cần thời gian và sự hỗ trợ của các trường trong đào tạo sẽ giúp nâng cao nhận thức của nhà đầu tư đối với thị trường giao dịch hàng hóa", PGS. TS. Mai Thanh Quế, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, nhận định.

Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, trong 3 năm tới, Việt Nam ước tính sẽ cần có khoảng 20.000 nhà môi giới hàng hóa chuyên nghiệp. Chính vì vậy, các trường đại học, học viện đang nghiên cứu để đưa giao dịch hàng hóa trở thành một môn học, hoặc một nội dung được giảng dạy cho các bạn sinh viên, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường trong tương lai.

Thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam ngày càng có vị thế trên thế giới Thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam ngày càng có vị thế trên thế giới

VTV.vn - Thị trường giao dịch hàng hóa liên thông với thế giới ghi nhận mức tăng trưởng tốt giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường giao dịch hàng hóa thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước