Năm 2018 đánh dấu tròn 30 năm Việt Nam mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp FDI thời gian qua đã trở thành một trong những động lực quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu ví nền kinh tế Việt Nam như một cỗ xe thì hiện chiếc xe này đang có một chiếc bánh là các doanh nghiệp FDI hoạt động khá mạnh mẽ, hiệu quả nhưng lại thiếu tương tác, kết nối với những chiếc bánh hay các bộ phận còn lại là các doanh nghiệp trong nước. Đây là thực tế đã diễn ra từ lâu và hiện được xem là một trong những hạn chế lớn nhất sau 30 năm mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Nếu như cách đây 6 năm, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước vẫn nhỉnh hơn so với các doanh nghiệp FDI thì đến năm 2017 kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã cao gần gấp 3 lần các doanh nghiệp trong nước.
Cũng trong năm qua, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu tới 26,1 tỷ USD thì khu vực FDI lại xuất siêu tới 28,8 tỷ USD. Điều này không chỉ giúp Việt Nam cân bằng cán cân thương mại, mà còn xuất siêu 2,7 tỷ USD.
Các doanh nghiệp FDI hiện đóng góp gần 20% tổng thu ngân sách Nhà nước, tăng 10 lần so với năm 2000. Trên 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam hiện đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong thời gian ngắn, các doanh nghiệp FDI đã có những bước tiến dài, nhưng tác động lan tỏa tới các doanh nghiệp trong nước lại rất mờ nhạt.
Điển hình là việc phát triển công nghiệp phụ trợ và tham gia chuỗi giá trị sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế. Một ví dụ rõ nhất là Samsung hiện sản xuất 40% smartphone tại Việt Nam, xuất khẩu năm qua đạt kim ngạch 50 tỷ USD, tương đương tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước, nhưng hiện có chưa đến 30 doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi sản xuất của Samsung tại Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!