Việt Nam có thể tận dụng lợi thế từ cơ cấu dân số thúc đẩy kinh tế

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 09/04/2023 09:11 GMT+7

VTV.vn - Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết dân số Việt Nam sẽ sớm đạt 100 triệu người và dấu mốc này sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới.

Việt Nam có thể tận dụng các lợi thế từ cơ cấu dân số để thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Đây là nhận định từ báo chí quốc tế tuần qua.

Theo nhận định trên Tạp chí Tài chính toàn cầu, dân số Việt Nam chuẩn bị đạt cột mốc ấn tượng 100 triệu người - đây cũng sẽ là động lực quan trọng cho nền kinh tế. Theo đó, dân số đông đồng nghĩa với thị trường tiêu dùng nội địa lớn, nguồn lao động có tay nghề cao sẵn có và điểm đến hấp dẫn với đầu tư nước ngoài.

Ông Brian Lee Shun Rong - Chuyên gia kinh tế vĩ mô Ngân hàng đầu tư Maybank, Singapore nhận định: "Tin tốt là Việt Nam được Liên Hợp Quốc dự đoán sẽ duy trì cơ cấu dân số vàng tới năm 2029. Điều này có nghĩa là Việt Nam có thể tận dụng nguồn nhân khẩu học thuận lợi, ít nhất là trong hơn 20 năm nữa để thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn. Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy giáo dục đại học, đào tạo nghề, tận dụng lực lượng lao động lớn để thúc đẩy năng suất kinh tế nhằm nâng tầm nền kinh tế trong chuỗi giá trị toàn cầu".

Việt Nam có thể tận dụng lợi thế từ cơ cấu dân số thúc đẩy kinh tế - Ảnh 1.

Việt Nam có thể tận dụng các lợi thế từ cơ cấu dân số để thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa.

Trang The Banker nhận định, Việt Nam cùng với Ấn Độ, Malaysia, Indonesia đang chứng kiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng lên, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nhờ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng.

Cùng chung nhận định, trang Al Arabiya cho biết, Việt Nam cùng với Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia đã trở thành những nước hưởng lợi đầu tiên trong năm 2023, khi ngành sản xuất chất bán dẫn bắt đầu chuyển dịch khỏi các trung tâm sản xuất truyền thống.

"Việt Nam là một hình mẫu ổn định được rất nhiều người đánh giá cao. Thế giới xung quanh đang căng thẳng, nhưng Việt Nam vẫn là một tổng thể ổn định, tăng trưởng đều đặn trong 30 năm qua hết sức ngoạn mục. Đó là một địa điểm đầu tư không thể bỏ qua", ông Tristan Cotte - Giám đốc điều hành Tập đoàn tư vấn Salveo-Adit, Pháp đánh giá.

Trong dự báo mới nhất về kinh tế Việt Nam, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay là 6,5%, năm sau là 6,8% nhờ 3 đột phá chính là quyết tâm giải ngân đầu tư công của chính phủ, việc chuyển hướng chính sách tiền tệ và chính sách thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, ADB cũng cảnh báo về rủi ro lạm phát từ bên ngoài, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, mức chi tiêu của các thị trường lớn chậm lại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước