Xây dựng hành lang logistics đường thuỷ cho Đồng bằng sông Cửu Long

VTV Digital-Thứ năm, ngày 14/04/2022 06:09 GMT+7

VTV.vn - Để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hoá của đồng bằng sông Cửu Long, việc đầu tư, xây dựng các tuyến hành lang logistics đường thuỷ đang là nhiệm vụ cấp bách lúc này.

Khơi thông các tuyến giao thông thuỷ để phát triển logistics cho đồng bằng sông Cửu Long là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đề cập trong quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường thuỷ đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực tế, trong 2 năm xảy ra dịch bệnh COVID-19, các tuyến đường thuỷ đã trở thành những "luồng xanh" chuyên chở hàng hoá hỗ trợ đắc lực cho các phương thức vận tải khác. Do vậy, việc xây dựng và phát triển các hành lang logistics đường thuỷ kết nối các tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long đang được đẩy mạnh triển khai.

Xây dựng hành lang logistics đường thuỷ phía Nam

Một tuyến đường thuỷ có chiều dài gần 200km, đi qua 5 tỉnh, thành của đồng bằng sông Cửu Long gồm Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An nối với TP. Hồ Chí Minh và kéo dài đến cụm cảng Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây sẽ là một trong hai hành lang logistics đường thuỷ của khu vực phía Nam. Khi hoàn thành, sẽ là tuyến giao thông huyết mạch vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Dự án có tổng vốn gần 3.900 tỷ đồng, hiện đang được các Bộ ngành hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư.

Xây dựng hành lang logistics đường thuỷ cho Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Hiện trên tuyến hành lang đường thuỷ huyết mạch của đồng bằng sông Cửu Long này, kênh Chợ Gạo đang được xem là "nút thắt cổ chai" khiến cho việc lưu thông hàng hoá của vùng đến TP. Hồ Chí Minh và ngược lại gặp rất nhiều khó khăn.

Mặc dù đã được cải tạo, nâng cấp giai đoạn 1 nhưng đến nay tuyến kênh này đã không còn đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hoá của vùng, trung bình vào khoảng 2-3 nghìn phương tiện tàu thuyền qua lại mỗi ngày. Do đó, việc tiếp tục đầu tư nâng cấp để nâng cao năng lực thông qua đang là nhiệm vụ cấp bách lúc này.

Tiếp tục đầu tư hạ tầng đường thuỷ cho đồng bằng sông Cửu Long

Kênh Chợ Gạo là tuyến kênh độc đạo kết nối 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Hiện tàu thuyền đi lại hoàn toàn phụ thuộc vào lúc thuỷ triều lên. Để khởi thông luồng hàng hoá lớn này, dự án mở rộng, nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 đang được Ban quản lý đường thuỷ, Bộ GTVT gấp rút triển khai với mục tiêu về đích trong năm tới.

Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang, cho biết: "Nếu chúng ta nạo vét với dự án này, các phương tiện lưu thông trong mọi thời điểm kể cả ngày và đêm. Lúc đó việc vận chuyển hàng hoá nó sẽ thuận lợi hơn còn hiện nay vận chuyển phải mất nhiều thời gian, chủ phương tiện phải chờ con nước".

Xây dựng hành lang logistics đường thuỷ cho Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 2.

Theo đại diện tỉnh Tiền Giang, dự kiến trong tháng 5 tới đây, 100% mặt bằng sẽ được bàn giao cho chủ đầu tư để thi công. Lãnh đạo Ban quản lý đường thuỷ, Bộ GTVT cho biết, đơn vị này đặt mục tiêu vượt tiến độ khoảng 2 tháng để tuyến giao thông huyết mạch này có thể phát huy vai trò thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá giữa đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh.

Ông Dương Thanh Hưng, Giám đốc Ban quản lý dự án đường thuỷ, Bộ GTVT, nói: "Dự án hoàn thiện sớm ngày nào thì hiệu quả kinh tế sẽ tăng lên ngày đó, khi dự án hoàn thành đầy đủ theo quy hoạch thì lượng hàng thông qua là 70 triệu tấn và nếu mà đội tàu thay đổi thì còn là 80 triệu tấn. Với lượng hàng hoá đó, việc xuất khẩu hàng hoá từđồng bằng sông Cửu Long thông qua cảng Sài Gòn và cụm cảng trên TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa Vũng Tàu mang lại lợi ích kinh tế lớn".

Hạ tầng được khơi thông sẽ giúp giảm giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá của cả vùng Tây Nam Bộ.

Ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, nhận định: "Với giá thành giảm, chắc chắn sẽ phát huy được lợi thế của đồng bằng sông Cửu Long với điều kiện hiện nay kể cả sau này khi có cảng nước sâu ở khu vực sông Hậu thì vẫn phải sử dụng tuyến kênh này để đảm bảo lượng hàng hoá của các tỉnh giáp sông Tiền lên trên TP. Hồ Chí Minh và Cái Mép Thị Vải".

Dự án cải tạo, nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 có chiều dài 10km, tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng khi hoàn thành sẽ xoá "nút thắt cổ chai" giao thương hàng hoá trong nhiều năm qua.

Khơi thông các tuyến đường thuỷ trên hành lang logistics đồng bằng sông Cửu Long

Là trung tâm nông nghiệp lớn nhất cả nước, mỗi năm, đồng bằng sông Cửu Long đóng góp đến 90% sản lượng lúa gạo, 65% thuỷ sản và 70% sản lượng trái cây xuất khẩu của cả nước. Với khối lượng hàng hoá 17-18 triệu tấn, sau khi được nâng cấp và đưa vào khai thác dự kiến trong năm sau, kênh Chợ Gạo sẽ giải quyết được đáng kể những khó khăn trong hoạt động vận tải hàng hoá của vùng. Tuy nhiên, để vận tải thuỷ phát huy tối đa vai trò của mình, không chỉ có kênh Chợ Gạo mà các tuyến đường thuỷ khác nằm trên hành lang logistics của vùng cũng phải được khơi thông.

Cầu Mỏ Cày tại tỉnh Bến Tre được xây dựng cách đây đã 40 năm, do chiều cao và độ rộng thông thuyền đều hạn chế nên theo các doanh nghiệp vận tải thuỷ, các sà lan phải giảm bớt 1 lớp container mới có thể đi qua. Việc này khiến chi phí vận tải bị đội lên đến 25%.

Trên tuyến hành lang logistics đường thuỷ đi qua 5 tỉnh thành của đồng bằng sông Cửu Long hiện có hàng chục cây cầu yếu cần được cải tạo nâng cấp. Ngoài ra, các tuyến sông ngòi, kênh rạch cũng cần được nạo vét để nâng cao năng lực khai thác cho các phương tiện thuỷ.

Ông Đinh Quang Huy, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long, cho biết: "Trên các tuyến sông chưa được đầu tư nạo vét dẫn đến các phương tiện thuỷ lớn chưa thể lưu thông để phục vụ vận chuyển hàng hoá và phát triển kinh tế xã hội của địa phương".

Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, nhận định: "Khi chúng ta phát triển một cách đồng bộ từ chống sạt lở, nạo vét, tạo luồng lạch phù hợp với tàu tải trọng lớn và phát triển mạng lưới sông kênh rạch để vận chuyển, tiếp nhận hàng hoá ở nơi sản xuất đến các cảng logistics, chi phí sẽ có tính cạnh tranh rất cao".

Theo Ban quản lý dự án đường thuỷ, Bộ GTVT, ngoài hơn 3.900 tỷ đồng xây dựng tuyến hành lang logistics đường thuỷ của đồng bằng sông Cửu Long, sẽ cần hơn 2.100 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp 11 cây cầu yếu nhằm nâng cao năng lực khai thác của tuyến vận tải này.

Vận tải bằng đường thuỷ được xem là lợi thế của đồng bằng sông Cửu Long. Theo tính toán, phương thức vận tải này có chi phí thấp hơn khoảng 30% so với đường bộ. Do đó, việc sớm tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng để phát triển các tuyến hàng lang logistics sẽ góp phần quan trọng trong việc thông thương cho các loại hàng hoá xuất nhập khẩu và nâng cao tính cạnh tranh cho hàng hoá thế mạnh như thuỷ sản, lúa gạo, trái cây… của cả vùng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước