Nhật Bản xem xét điều chỉnh chính sách quốc phòng

Đức Cường-Thứ ba, ngày 25/06/2013 22:58 GMT+7

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang xem xét lại một cách toàn diện chính sách quốc phòng.

Nhật Bản dự kiến sẽ công bố chiến lược quốc phòng mới vào cuối năm nay với mục tiêu có thể ứng phó tốt hơn với các mối đe dọa từ bên ngoài.

2013 là năm Nhật Bản gia tăng ngân sách quốc phòng lần đầu tiên sau 11 năm. Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định bổ sung 1,15 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng vốn đang ở mức 57 tỷ USD của Nhật Bản và cam kết sẽ xây dựng một chính sách quốc phòng mạnh mẽ và chủ động hơn.

‘ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: Foreignpolicyi)

Tuy nhiên, theo giáo sư Michishita thuộc Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản, bất chấp những quan ngại của các quốc gia láng giềng trước những động thái cứng rắn gần đây của Tokyo, Nhật Bản sẽ không theo đuổi chính sách chạy đua vũ trang.

Giáo sư Michishita Narushige, Viện nghiên cứu chính sách quốc gia, Nhật Bản cho biết: “So với 10 năm trước, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng 170%, Mỹ tăng vài chục phần trăm, trong khi chi tiêu dành cho quốc phòng của Nhật Bản lại giảm 3%. Hiện nay, nợ nhà nước của chúng tôi đã gấp đôi GDP rồi, nên dù Chính phủ muốn tăng ngân sách quốc phòng, mức gia tăng cũng rất hạn hẹp. Nhật Bản không thể cạnh tranh chi tiêu quốc phòng với các nước khác”.

Để đảm bảo an ninh, Chính phủ Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe vẫn dựa vào trụ cột chính là mối quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ. Tuy nhiên, Nhật Bản sẽ không giới hạn quan hệ an ninh với riêng Washington mà mở rộng sang các nước lân cận trong khu vực châu Á Thái Bình Dương như Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc, ASEAN.

“Trong khối ASEAN 3 nước Việt Nam, Philippines, Indonesia là những đối tác quan trọng nhất. Nhật Bản rất hy vọng sẽ xây dựng được mối quan hệ mật thiết hơn, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực an ninh quốc phòng mà cả trong các lĩnh vực chính trị và kinh tế”, giáo sư Michishita Narushige cho biết thêm.

Cũng theo giáo sư Michishita, Nhật Bản xác định vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc là hai vấn đề trọng tâm trong chiến lược bảo đảm an ninh, và chính sách quốc phòng của Nhật Bản sẽ được điều chỉnh theo hướng ngăn chặn các nguy cơ này. Riêng trong vấn đề chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc, Nhật Bản sẽ kiềm chế không để các tranh chấp nhỏ trở thành các xung đột quân sự.

Chính phủ Nhật Bản hiện đang đề xuất thay đổi Hiến pháp để dỡ bỏ các hạn chế về tác chiến bên ngòai lãnh thổ của lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Những động thái gần đây cho thấy Nhật Bản đang tìm kiếm một chiến lược quốc phòng chủ động và tích cực hơn trước những nguy cơ đe dọa an ninh từ bên ngoài.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước