Bệnh mùa hè ở trẻ: Chữa như thế nào?

VCS, icon
09:53 ngày 25/05/2013

 Những ngày này, thời tiết đang ở đỉnh điểm nắng nóng kéo dài ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi người, đặc biệt là trẻ em. Số bệnh nhi nhập viên tăng đột biến, do đó các bậc cha mẹ cần chú ý chăm sóc sức khỏe của trẻ trong những ngày này. 

Nắng nóng liên tiếp trên diện rộng nhiều ngày qua từ cách tỉnh miền Bắc đến miền Trung khiến đời sống và sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng.

Theo thống kê của bệnh viện nhi Trung ương, nếu như trước những đợt nắng nóng kéo dài bệnh viện chỉ tiếp nhận 1.500 – 1.800 lượt bệnh nhi đến thăm khám mỗi ngày, thì nay con số đã tăng lên gần gấp đôi với khoảng 3.000 lượt với những đặc điểm bệnh lý rất rõ rệt.

BS Cận Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Khi thời tiết thay đổi chênh lệch giữa nóng và lạnh, hoặc giữa lạnh và nóng hay bình thường và nóng lên là thời điểm giao mùa dễ khiến cho rất nhiều bệnh nhi phải nhập viện”.

‘ Cha mẹ cần chú trọng tới diễn biến sức khỏe của trẻ khi thời tiết nắng nóng kéo dài. (Ảnh minh họa)

Hàng năm, vào thời điểm thời tiết giao mùa với nắng nóng gay gắt và oi bức, số lượng trẻ phải nhập viện đều do sốt, tiêu chảy, sốt virus, cảm cúm, ngộ độc thức ăn, tai nạn đuối nước, các bệnh viêm họng, viêm phế quản, hen… Tuy nhiên, thời tiết năm nay có những biến đổi khắc nghiệt hơn với những đợt nắng nóng đỉnh điểm và kéo dài, khiến nhiều trẻ phải cấp cứu do sốt phát ban, sốt co giật rất đáng lo ngại.

Điều đáng nói là nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa biết cách chăm sóc cho trẻ trong thời tiết nắng nóng nên đã có nhiều trường hợp trẻ nhập viện trong những tình huống đáng tiếc.

BS Cận Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết thêm: “Tình trạng bệnh nhi đến nhập viên do hô hấp rất phổ biến, với những biểu hiện khò khè, khó thở và sốt cao, tới bệnh viện trong tình trạng viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi.

Về bệnh tiêu chảy, trẻ thường nôn nhiều dẫn tới mất nước, mặt hốc hác, có trẻ đã đi ngoài một ngày từ 5 – 7 lần, có khi 10 lần. Đề nghị các bậc phụ huynh khi con có những biểu hiện như vậy nên đến cơ sở y tế chứ không tự mua thuốc cho trẻ uống. Trường hợp tư mua thuốc có thể không đúng bệnh ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ, dẫn tới bệnh tình của trẻ nặng lên, tình trạng nhờn thuốc kháng thuốc ở trẻ cũng nhiều hơn”.

Tại Khoa khám bệnh, bệnh viên Nhi Trung ương, nhiều bệnh nhân không được điều trị kịp thời nên bệnh đã chuyển từ tình trạng nhẹ sang nặng, thậm chí không được cứu chữa đúng cách dễ dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.

Theo các bác sĩ, nguyên nhân do thời tiết nắng nóng, các bậc cha mẹ ngại đưa con đi xa nên khi đến viện, bệnh đã diễn biến nặng. Do đó, các bà mẹ rất cần có kiến thức chăm sóc trẻ, khi nào trẻ có thể chăm sóc tại nhà và khi nào cần đưa trẻ đến viện sớm.

BS Cận Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết thêm: “Mùa nóng, bệnh nhân tiêu chảy thường kèm theo sốt, sốt do nhiễm trùng gây ra. Ở trẻ em hệ thống điều hòa thân nhiệt còn chưa ổn định, do vậy tác động bên ngoài nắng nóng quá khiến trẻ bị sốt. Khi trẻ bị sốt, các bậc cha mẹ cần ghi nhớ:

- Nới rộng quần áo của trẻ, không ủ cho trẻ bằng các loại chăn hay gối.

- Tìm nơi thoáng mát để trẻ nằm và chơi.

- Hạn chế cho trẻ sử dụng thuốc tự mua, không đúng bệnh.

Trời nắng nóng, số trẻ bị sốt vô cớ khá nhiều, khi trẻ bị sốt kéo dài trên 3 ngày, dứt khoát phải đưa trẻ tới bệnh viện. Khi chăm sóc trẻ sốt tại nhà, các bà mẹ cần thực hiện theo cách sau:

- Cặp nhiệt độ: Cặp nhiệt kế ở nách hoặc hậu môn, nhiệt kế phải được giữ trong nách ít nhất 3 phút, cánh tay của trẻ áp sát ngực. Nhiệt độ của trẻ sẽ là số được hiển thị trên nhiệt kế cộng với 0,3 – 0,4 độ C. Ví dụ, nhiệt kế hiển thị 38 độ C thì thân nhiệt thực sự của trẻ là 38,4 độ C.

- Hạ sốt: Hạ sốt cho trẻ bằng nhiều cách như uống thuốc, chườm mát cho trẻ bằng khăn ướt. Lau khô mồ hôi. Để trẻ nằm nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng. Nới lỏng quần áo và bỏ bớt chăn cho trẻ khi đang sốt cao. Lau bằng khăn ướt nước ấm, tuyệt đối không sử dụng nước lạnh do có thể dẫn tới tình trạng bệnh nặng hơn do cơ chế co mạch ngoại vi.

- Chống co giật: Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C cha mẹ nên sử dụng thuốc hạ sốt kèm theo thuốc chống co giật theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là những trẻ có tiền sử co giật khi sốt cao.

- Bù nước và điện giải: Nếu trẻ còn bú, tiếp tục cho bú nhiều hơn bình thường và cho uống bù nước orezol theo đúng chỉ dẫn. Trường hợp trẻ không uống được, cần dùng bông sạch chấm nước trên vào môi, miệng trẻ liên tục để niêm mạc môi miệng hấp thu nước, tránh thiếu nước và chất điện giải.

- Chống bội nhiễm: Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, nhỏ mắt mũi bằng natri colorit 0.9% nhằm tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.

- Dinh dưỡng: Cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng, nên cho trẻ ăn loãng như cháo, súp, uống nhiều nước như nước lọc, nước hoa quả như cam, chanh…

Khi đã thực hiện chế độ chăm sóc và theo dõi bệnh của trẻ, nhưng biểu hiện bệnh vẫn chưa thuyên giảm, cha mẹ cần đưa trẻ tới các trung tâm y tế khi có các dấu hiệu sau:

- Khi trẻ sốt cao trên 38.5 độ C, đặc biệt là trên 39 độ C mà dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng.

- Lơ mơ, li bì, ngủ nhiều.

- Xuất hiện co giật, đau đầu liên tục và tăng dần, buồn nôn, nôn khan nhiều lần từ 5 ngày trở đi.

Để theo dõi toàn bộ những hướng dẫn cần thiết đối với việc chăm sóc và điều trị cho trẻ khi mắc phải những căn bệnh trong những ngày nắng nóng kéo dài, mời quý vị và các bạn theo dõi Video chương trình Vì cuộc sống TẠI ĐÂY.

Cùng chuyên mục