Cảnh báo áp xe gan do sán lá gan lớn

P.V, icon
06:02 ngày 12/04/2023

VTV.vn - Trong 3 tháng đầu năm 2023, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và điều trị 172 ca bệnh áp xe gan do sán lá gan lớn.

Hình minh họa.

Các bệnh nhân có độ tuổi trung bình là 40, nữ chiếm đa số (68%), đến từ 24 tỉnh, thành thuộc các khu vực từ Quảng Ngãi trở vào, trong đó 44 trường hợp sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh, 40 trường hợp sống tại các tỉnh Duyên hải miền Trung; 23 ca bệnh phức tạp phải điều trị nội trú. Toàn bộ bệnh nhân đều có thói quen ăn rau sống.

Đáng chú ý, có 2 trường hợp áp xe gan ở thai phụ và 3 trường hợp bệnh diễn tiến nặng, nhập viện muộn, nguy cơ áp xe vỡ cần phối hợp với chuyên khoa ngoại.

Trường hợp 2 thai phụ nhập viện với tình trạng đau bụng thượng vị tăng dần kèm sốt và buồn nôn. Công thức máu có tình trạng tăng bạch cầu ái toan và xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán Fasciola spp. dương tính. Siêu âm có ổ áp xe ở gan kích thước 5x8 cm ở thai phụ 16 tuần và 7x8,4 cm ở thai phụ 28 tuần. Do đây là 2 ca bệnh phức tạp, khó xử trí và điều trị nên đã được hội chẩn toàn viện và liên viện chuyên Khoa Ngoại, Sản để có giải pháp can thiệp tốt nhất cho thai phụ.

Sau khi hội chẩn chuyên môn và thảo luận, tư vấn với bệnh nhân, thân nhân về lợi ích lẫn nguy cơ của điều trị với thuốc đặc trị và các biện pháp can thiệp ngoại khoa, sản khoa, bệnh nhân đã được điều trị với thuốc Triclabendazole và theo dõi sát diễn biến lâm sàng, tình trạng thai. Sau 1 tuần nằm viện, bệnh nhân hết sốt, hết đau bụng và được xuất viện hẹn theo dõi ngoại trú.

Theo các bác sĩ, bệnh nhiễm sán lá gan lớn vẫn còn là một vấn đề sức khỏe trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) luôn xem Việt Nam là một vùng dịch tễ của sán lá gan lớn. Hiện nay, số ca bệnh do sán lá gan lớn đã được ghi nhận ở 47 trên 63 tỉnh thành Việt Nam và địa phương gặp nhiều nhất là các tỉnh ở vùng duyên hải miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định…

Sán lá gan lớn gây bệnh cho người có 2 loại: Fasciola hepatica và Fasciola gigantica. Sán lá gan lớn ký sinh, sinh sản và trưởng thành ở động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu được thải qua phân ra môi trường bên ngoài. Người mắc bệnh do ăn sống các loại rau mọc dưới nước (như rau nhút, rau ngổ, rau cần, cải xoong,…) hoặc uống nước chưa nấu chín có nhiễm ấu trùng sán.

Ai có thể mắc bệnh?

Những người có thói quen ăn rau sống không rửa kỹ; sinh sống hoặc lui tới các tỉnh thành của vùng duyên hải miền Trung. Hai ca bệnh thai phụ nêu trên, một người sống ở Cam Ranh-Khánh Hòa, một người sống ở Thủ Đức thường ăn rau sống từ quê Bình Định gửi vào.

Những ca bệnh đến khám và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới nêu trên cư ngụ tại 24 tỉnh thành khác nhau, cho thấy yếu tố địa phương không còn tập trung như trước đây.

Những dấu hiệu của tình trạng nhiễm sán lá gan lớn

Biểu hiện nhiễm sán lá gan lớn phản ánh hành trình của sán trong cơ thể người.

Trong giai đoạn sán đi qua gan, kéo dài khoảng 2 - 4 tháng, phản ánh sự di chuyển của ấu trùng qua vách ruột non, màng bụng và mô gan. Những biểu hiện của giai đoạn này gồm:

- Đau bụng vùng hạ sườn phải lan về phía sau hoặc vùng thượng vị, có thể đau âm ỉ, đôi khi dữ dội.

- Sốt nhẹ, thoáng qua, một số ít có thể sốt kéo dài, sốt cao.

- Mệt mỏi, biếng ăn, sụt cân.

- Cảm giác đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn.

- Nổi mề đay, sẩn da.

- Một số trường hợp, ấu trùng sán di chuyển lạc chỗ và gây tổn thương ở các vị trí bất thường như thành ruột, màng phổi, cơ thăn…

- Xét nghiệm máu có thể phát hiện tăng bạch cầu ái toan

- Siêu âm bụng có thể thấy các tổn thương ở gan dạng nhiều kén sán nhỏ tụ thành khối, đường hầm, phân nhánh, biểu hiện sự di chuyển của sán qua gan.

Giai đoạn sán trưởng thành ở ống mật, kéo dài nhiều năm. Những biểu hiện lâm sàng trong giai đoạn này gồm:

- Những triệu chứng như sốt, ăn không ngon, đau bụng biến mất.

- Một số trường hợp bị biến chứng tắc nghẽn đường mật với biểu hiện: vàng da, sốt, đau bụng từng cơn.

- Xét nghiệm máu bạch cầu ái toan có thể không tăng.

- Siêu âm bụng phát hiện một khối mềm sáng gây tắc nghẽn đường mật ngoài gan.

Cần làm gì khi nghi ngờ bị bệnh?

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám, thực hiện các xét nghiệm máu, siêu âm bụng.

Chẩn đoán một trường hợp nhiễm sán lá gan lớn cần kết hợp các yếu tố dịch tễ, lâm sàng và cận lâm sàng như sau:

- Sinh sống hoặc lui tới các tỉnh miền Trung, có thói quen ăn sống các loại rau mọc dưới nước.

- Sốt nhẹ, đau bụng hạ sườn phải, lan sang thượng vị hoặc sau lưng.

- Bạch cầu ái toan trong máu tăng cao.

- Huyết thanh chẩn đoán Fasciola spp. dương tính.

- Thấy hình ảnh tổn thương gan, áp xe gan trên siêu âm hoặc CT scan.

Điều trị bệnh như thế nào?

Việc điều trị bệnh sẽ được cá thể hóa tùy vào tình trạng nặng, nhẹ của bệnh. Với thể bệnh nhẹ, bệnh nhân sẽ được điều trị thuốc uống đặc trị sán lá gan lớn là Triclabendazole hiệu quả với liều duy nhất. Với thể bệnh nặng, tùy vào diễn tiến của mỗi bệnh nhân, bệnh nhân có thể được lặp lại 1 liều thuốc đặc trị, hoặc sử dụng thêm kháng sinh nếu nghi ngờ bội nhiễm vi trùng.

Ngoài ra, ở những trường hợp đặc biệt như thai phụ; ổ áp xe lớn dọa vỡ,… cần can thiệp phẫu thuật, việc hội chẩn với chuyên khoa (ngoại khoa, sản khoa) được đặt ra để tối ưu điều trị cho bệnh nhân.

Phòng ngừa bệnh ra sao?

Không có vaccine phòng ngừa bệnh do sán lá gan lớn.

Các thuốc dự phòng giun sán trên thị trường hiện nay không có tác dụng với loại sán lá gan lớn này, do mỗi loại giun sán sẽ được điều trị bằng thuốc phù hợp.

Vì thế, cần thực hiện:

- Không uống nước lã.

- Không ăn rau sống mọc dưới nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục