Cảnh báo: Dịch não mô cầu mùa đông xuân

Tuấn Bảo, icon
06:59 ngày 26/01/2020

VTV.vn - Bệnh do não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây truyền qua đường hô hấp, thường gặp ở lứa tuổi trẻ. Bệnh gia tăng vào mùa đông - xuân và có khả năng gây thành dịch.

Hình minh họa.

Theo PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đây là bệnh do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis, được chia thành 13 nhóm huyết thanh, trong đó có 6 nhóm: A, B, C, W-135, X và Y có khả năng gây dịch. Các thể lâm sàng: viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm khớp, viêm màng ngoài tim... Trong đó, viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết là thường gặp hơn. Bệnh có thể để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10 - 20%, tử vong có thể từ 8 - 15%.

Nguồn bệnh, thời gian ủ bệnh và thời kỳ lây truyền

- Nguồn bệnh: là người mang vi khuẩn não mô cầu (lây từ người sang người).

- Thời gian ủ bệnh từ 2 - 10 ngày, thông thường từ 3 - 4 ngày.

- Thời kỳ lây truyền: tùy thuộc vào thời gian tồn tại của vi khuẩn não mô cầu ở mũi, họng của người nhiễm khuẩn. Đối với người bệnh, khả năng lây truyền có thể từ vài ngày trước khi khởi phát bệnh cho đến 24 giờ sau khi được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu.

Các biện pháp phòng bệnh

Tuyên truyền cho cộng đồng, đặc biệt tại những vùng có dịch lưu hành, nơi có ổ dịch cũ về bệnh do não mô cầu.

- Thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập, nâng cao thể trạng.

- Thực hiện tốt vệ sinh, thông khí nơi ở, nơi làm việc.

- Chủ động tiêm vaccine phòng bệnh tại các cơ sở y tế.

- Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Đối với người tiếp xúc gần: là những người sống cùng hộ gia đình, những người sống, làm việc cùng phòng, người trực tiếp chăm sóc, người có tiếp xúc mật thiết, trẻ học cùng trường mầm non/nhà trẻ, cùng nhóm học, cùng lớp học… với bệnh nhân trong thời gian từ 7 ngày trước ngày khởi phát cho đến 24 giờ sau khi bệnh nhân được dùng kháng sinh đặc hiệu.

- Hướng dẫn tự theo dõi, phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh, đặc biệt là sốt và thông báo ngay cho cán bộ y tế.

- Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với bệnh nhân và những người khác.

- Sử dụng thuốc điều trị dự phòng càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 24h sau khi có chẩn đoán xác định ca bệnh có liên quan cho những người tiếp xúc gần, sử dụng kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ, nếu không có kháng sinh đồ, sử dụng một trong các loại kháng sinh: Ciprofloxacin, Rifampicin, Azithromycin.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục