Cảnh báo gia tăng cong vẹo cột sống ở trẻ

Lê Hải, icon
03:20 ngày 25/06/2019

VTV.vn - Cong vẹo cột sống là căn bệnh nguy hiểm nhưng không phải bất cứ ai cũng biết. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện được khi bệnh đã diễn biến nặng. Đặc biệt là ở trẻ em.

Cong vẹo cột sống của trẻ không được phát hiện sớm

Cong vẹo cột sống là căn bệnh nguy hiểm nhưng không phải ai cũng biết. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện được khi bệnh đã diễn biến nặng. Đặc biệt là ở trẻ em, tình trạng này gia tăng ngày một nhiều và khi phát hiện đa phần đã bị lâu năm và khó điều trị. Mặc dù đã cảnh báo nhiều nhưng nếu chưa thay đổi những thói quen không tốt thì cong vẹo cột sống vẫn luôn là nguy cơ tiềm ẩn.

Cảnh báo gia tăng cong vẹo cột sống ở trẻ - Ảnh 1.

Phát hiện muộn sẽ rất khó điều trị cong vẹo cột sống ở trẻ

Tại Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Cần Thơ, phóng viên gặp một trường hợp đã sống chung với căn bệnh cong vẹo cột sống nhiều năm nay nhưng phụ huynh của cháu bé này không hề hay biết. Đến khi cột sống ngày càng có dấu hiệu bất thường, em mới được đưa đến cơ sở y tế. Qua thăm khám, các bác sĩ cho biết: cột sống em bị lệch đến gần 40 độ. Bệnh nhân chia sẻ: "Hai vai em bị lệch một bên. Thường hay bị bạn bè trêu chọc..nên em cảm thấy rất tự ti".

Cảnh báo gia tăng cong vẹo cột sống ở trẻ - Ảnh 2.

Đeo cặp nặng, ngồi không đúng tư thế cũng là nguyên nhân gây ra cong vẹo cột sống ở trẻ

Không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý và những sinh hoạt hàng ngày, cột sống nếu bị cong vẹo còn tác động rất lớn đến sự phát triển của tim, phổi và cả khung chậu. Các bác sĩ còn cho biết: nếu không điều trị kịp thời, các bé gái khi trưởng thanh sẽ gặp nhiều khó khăn khi đến tuổi sinh nở.

Theo bác sĩ Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Cần Thơ: "Trước tuổi dậy thì nếu không điều trị sẽ thành nặng. Nếu xảy ra sau dậy thì thì mức độ chuyển nặng khoảng 10%".

Nguy hiểm là vậy nhưng thống kê cho thấy: có khoảng 4% dân số mắc phải căn bệnh này, trong đó tập trung chủ yếu ở trẻ nhỏ. Việc mang vác tập sách quá nặng và tư thế ngồi học không đúng là những nguyên nhân khiến cột sống bị cong vẹo. Tiến sĩ Bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TPHCM cho biết: Trẻ ngồi tư thế quá nhiều thì hai bên vai sẽ bị kéo căng xuống dẫn đến cong vẹo cột sống. Thêm nữa, giờ trẻ em được cầm điện thoại nhiều, cứ cúi xuống thời gian dài để nhìn điện thoại cũng dẫn đến bị cong vẹo cột sống. 

Theo lời khuyên của các chuyên gia y tế, thời gian vàng để có thể điều trị hiệu quả căn bệnh này chính là trước khi bước vào giai đoạn dậy thì. Bên cạnh việc thay đổi những thói quen không tốt thì việc khám định kỳ cột sống 6 - 8 tháng/lần sẽ giúp cho việc phát hiện sớm những bất thường và có hướng điều trị phù hợp.

Dưới đây là một số dấu hiệu để nhận biết trẻ có thể bị cong vẹo cột sống.

Cảnh báo gia tăng cong vẹo cột sống ở trẻ - Ảnh 3.

Cách kiểm tra cột sống cho trẻ

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục