Cảnh báo người trẻ mắc bệnh thoái hóa khớp

Văn Thành, icon
04:47 ngày 12/02/2021

VTV.vn - Trước đây, bệnh xương khớp là một trong những bệnh lý chủ yếu gặp ở những người cao tuổi, nhưng hiện nay bệnh có sự dịch chuyển sang cả người trẻ tuổi.

Hình minh họa.

PGS.TS Nguyễn Mai Hồng, Nguyên Trưởng khoa Cơ Xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Bệnh thoái hóa khớp gặp ở nhiều đối tượng trẻ là do lối sống tĩnh tại như ngồi một chỗ làm việc kéo dài khiến dịch khớp không lưu thông, dây chằng xung quanh cứng lại. Cùng với đó, chế độ dinh dưỡng ăn kiêng, giữ dáng là một trong những yếu tố làm giảm bổ sung thành phần trong ổ khớp, dẫn tới thoái hóa khớp sớm.

Thoái hóa khớp nếu không được chẩn đoán, điều trị sớm sẽ dẫn tới tổn thương khớp nặng hơn, sụn khớp mỏng đi, dính khớp khiến bệnh nhân không đi lại được.

Theo PGS.TS Nguyễn Mai Hồng, dấu hiệu báo trước thoái hóa khớp là biểu hiện đau. Trong thoái hóa khớp, đau tăng khi vận động.

Đặc biệt trong mùa lạnh, bệnh lý cơ xương khớp thường đau tăng do thời tiết lạnh có hiện tượng co cơ, dịch khớp đặc quánh lại, bệnh nhân ít vận động… Đây là một trong những nguyên nhân hạn chế vận động, gây đau khớp.

Ngoài ra, bệnh nhân có dấu hiệu cứng khớp (15 - 30 phút), lục khục khớp gặp rất nhiều. Với thoái hóa khớp, tổn thương ở sụn khớp, dịch khớp giảm tiết, các đầu xương cọ vào nhau gây dấu hiệu lục khục khớp.

"Căn bệnh này khác với các bệnh lý khác, dấu hiệu toàn thân không có gì đặc biệt. Bệnh nhân không sốt, không gầy sút, đau thường âm ỉ… Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ chụp X-quang, siêu âm khớp. Trong một số trường hợp có thể thực hiện chụp cộng hưởng từ" - PGS.TS Nguyễn Mai Hồng cho hay.

Hiện nay, rất nhiều người mắc bệnh thoái hóa khớp mà không hề hay biết, do đó chưa được điều trị kịp thời. Chỉ đến khi đau tăng lên, bệnh nhân thường tự tìm cách điều trị theo mách bảo, theo các bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc, thậm chí tự uống thuốc, hoặc truyền dịch, tiêm khớp tại các cơ sở không đảm bảo… Điều này đã gây nên những hậu quả nặng nề, bệnh nhân nhiễm khuẩn khớp gây nhiễm trùng toàn thân, thậm chí phải tháo khớp.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Mai Hồng, người bệnh thoái hóa khớp thường tự đi mua thuốc uống mà không biết rằng trong một số thuốc bắc, thuốc nam không rõ nguồn gốc có chứa corticoid, chính thành phần này có thể giảm đau cho bệnh nhân ngay tại thời điểm đó nhưng tác dụng phụ của thuốc rất nguy hiểm. Chẳng hạn như gây tăng huyết áp, loãng xương, đái tháo đường, phù toàn thân… do tác dụng của corticoid. Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị khớp lại tái lại đau kèm các tác dụng phụ…

Bên cạnh đó, trong giai đoạn viêm khớp có đau khớp nhiều hoặc tràn dịch khớp, nhiều bệnh nhân lại tập đi bộ. Thực tế, tập đi bộ gây tải trọng lên khớp dẫn tới tình trạng nặng hơn. Với thoái hóa khớp cần tập làm sao để giảm tải lên bề mặt của khớp, chẳng hạn như các bài tập tốt là đạp xe, bơi để giãn cơ tránh hiện tượng đau do co thắt dây chằng quanh khớp.

Với người béo, tải trọng lớn, đi bộ nhiều càng làm mòn sụn khớp đi gây thoái hóa khớp sớm. Chính vì vậy, khi điều trị thoái hóa khớp ở những người béo, giảm cân là chỉ định đầu tiên để điều trị.

Ở những bệnh nhân thoái hóa khớp, chườm nóng có thể có chỉ định được nhưng với trường hợp có viêm khớp hoặc bệnh lý viêm khớp dạng thấp, gout… không được chườm nóng vì càng kích thích tăng sinh các mạch máu gây viêm nặng. Việc bôi những thuốc làm nóng tại khớp cũng kích thích viêm.

Để phòng ngừa bệnh lý thoái hóa khớp, PGS.TS Nguyễn Mai Hồng khuyến cáo: Người dân cần chế độ dinh dưỡng phải hợp lý như ăn đủ canxi, tập những bài tập phù hợp với bệnh nhân để làm chắc những cơ quanh khớp, tránh những động tác mạnh thay đổi đột ngột làm chấn thương khớp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục