Đắk Lắk: Đẩy mạnh các hoạt động nâng cao chất lượng dân số

P.V, icon
10:41 ngày 30/12/2023

VTV.vn - Theo báo cáo của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Đắk Lắk, năm 2023, hoạt động nâng cao chất lượng dân số của tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan.

Sản phụ được siêu âm định kỳ tại cơ sở y tế để kịp thời phát hiện các bất thường của thai nhi. (ảnh: Quang Nhật)

Cụ thể, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của tỉnh là 11‰. Mức giảm tỷ suất sinh là 0,2‰. Tỷ số giới tính khi sinh là 108,6%, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2022. Có 18.550 bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh, đạt 122,5% (trong đó thực hiện miễn phí 406 ca). Số trẻ sinh ra được sàng lọc sơ sinh là 21.881 trường hợp, đạt 135%. 115.132 người mới sử dụng biện pháp tránh thai, đạt 104% so với năm 2022.

Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi Cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình tỉnh Đắk Lắk, bà H’Bê Niê cho biết, hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12 năm 2023 với chủ đề "Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước", Chi cục đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, mang lại hiệu quả cao. Chi cục đã phối hợp với trung tâm y tế các huyện thực hiện tốt các chỉ tiêu dân số kế hoạch hoá gia đình giao từ đầu năm. Duy trì hoạt động quản lý hậu cần phương tiện tránh thai. Tăng cường công tác truyền thông lồng ghép chung vào chương trình dân số - KHHGĐ của địa phương về các đề án sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, mô hình can thiệp giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, mô hình "Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân"...

Mô hình can thiệp giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng được chú trọng thực hiện tại 159 xã với 828 câu lạc bộ, có 2.881 lượt thành viên tham gia. Chi cục cũng đã lồng ghép với mô hình Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân truyền thông, tư vấn can thiệp tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống tại đại phương, hỗ trợ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản kế hoạch hóa gia đình cho người dân. Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi triển khai tại 15 huyện với 184 xã, phường, thị trấn với 206.232 người cao tuổi. 

Năm 2023 đã có 455 câu lạc bộ người cao tuổi được thành lập mới với 16.509 người tham gia và 18.013 số hội viên. Để nâng cao sức khỏe người cao tuổi, đã có 437 buổi nói chuyện chuyên đề được triển khai với 10.820 lượt người tham gia; truyền thông trực tiếp 834 buổi với 21.044 lượt người tham gia. Công tác tổ chức khám định kỳ cũng được triển khai 434 lần với 20.313 người cao tuổi được khám; Số lần khám và tư vấn sức khỏe thường xuyên tại trạm 50.373 lần.

Có thể thấy, để nâng cao chất lượng dân số, đã có rất nhiều hoạt động được Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình triển khai hiệu quả. Tuy nhiên, theo bà H’Bê Niê, công tác nâng cao chất lượng dân số vẫn còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn vùng sâu, vùng xa đường đi khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhận thức về kế hoạch hóa gia đình ở một số vùng người dân tộc thiểu số còn hạn chế. Một số địa bàn có thành phần tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao ảnh hưởng đến tuyên truyền, vận động người dân tham gia kế hoạch hoá gia đình. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền tại một số địa bàn cơ sở chưa hiểu hết được tầm quan trọng của công tác Dân số - Kế hoạch hoá gia đình nói chung và công tác truyền thông về Dân số - Kế hoạch hoá gia đình nói riêng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, chưa thật sự quan tâm đến việc hỗ trợ, bổ sung thêm một phần kinh phí cho công tác Dân số - Kế hoạch hoá gia đình các xã, phường mà chỉ dựa vào nguồn kinh phí của ngành dọc. Vì vậy ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả triển khai công tác Dân số - Kế hoạch hoá gia đình trên địa bàn. 

Ngoài ra, một số phương tiện tránh thai bị gián đoạn như thuốc tiêm tránh thai, que cấy tránh thai đến nay không có, do đó không đáp ứng được nhu cầu cho các đối tượng thụ hưởng miễn phí về phương tiện tránh thai. Phụ cấp hàng tháng cho đội ngũ cộng tác viên dân số còn thấp đã làm giảm đi sự tâm huyết với công tác truyền thông, tư vấn về kế hoạch hoá gia đình thường xuyên tại cộng đồng.

Do đó, để chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh được nâng cao hơn nữa trong thời gian tới, bên cạnh những nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế, rất cần có sự vào cuộc tích cực của chính quyền, các đoàn thể của địa phương trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về xoá bỏ hủ tục, chủ động chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ. Đồng thời, mỗi người dân cũng cần nâng cao hơn nữa kiến thức cũng như ý thức trong các hoạt động nâng cao chất lượng dân số. Có như vậy, chất lượng dân số tỉnh Đắk Lắk mới ngày được nâng cao, góp phần phát triển đất nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục