Đau vai - Nguyên nhân và cách phòng ngừa

Tuấn Bảo, icon
11:00 ngày 14/07/2020

VTV.vn - Khớp vai đau nhức là tín hiệu giúp bạn sớm nhận biết khớp bả vai của mình đang gặp vấn đề và cần có hướng cải thiện kịp thời.

Hình minh họa.

Theo các bác sĩ Khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), khớp vai là một trong những khớp quan trọng, nối giữa cánh tay với thân người giúp chúng ta thực hiện các động tác mong muốn. Viêm đau khớp vai là hiện tượng khớp hoặc sụn khớp ở vai, màng dịch bao khớp bị tổn thương do các yếu tố nội - ngoại nhân tác động.

Nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng nhưng thường gặp nhất là do những tác nhân sau đây: thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cổ, viêm gân, viêm túi hoạt dịch, rách gân, chấn thương, sinh hoạt không khoa học làm việc không đúng tư thế, khuân vác vật nặng. Bệnh thường gặp ở người 40 - 60 tuổi và nam thường chiếm tỷ lệ nhiều hơn nữ.

Viêm đau khớp vai không đơn thuần là những cơn đau thoáng qua mà nó còn ảnh hưởng đến khả năng vận động của vai, tay, thậm chí toàn bộ cơ thể. Người bệnh có thể cảm thấy đau đớn đến mức không thể nhấc được cánh tay lên. Khi xoay người hay bước đi vùng đau khớp bả vai phải có thể lan ra lưng, bẹ sườn. Đôi khi chính việc đau đớn trên diện rộng khiến người bệnh không thể xác định chính xác vị trí đau. Những cử động thông thường như nằm, ngồi cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Để phòng tránh việc bị viêm đau khớp vai, chúng ta cần phải lưu ý:

- Điều chỉnh tư thế hợp lý, ngồi đúng tư thế, sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử ngang tầm mắt, tránh ngủ gục xuống bàn, gối đầu vào vật cứng.

- Không nên ngồi quá lâu, cứ mỗi 1 tiếng làm việc nên đứng dậy để thực hiện các động tác vận động cột sống cổ, vai và tay. Xoa bóp vùng vai gáy, sau cổ để tăng lưu thông máu.

- Không nên đưa tay quá đầu hoặc xoay cánh tay thường xuyên.

-Tránh vận động và luyện tập thể thao với các bài tập nặng, sai tư thế.

Bên cạnh việc tránh khuân vác nặng, hoạt động sai tư thế, bạn có thể tập theo hướng dẫn các bài tập có thể giúp phòng ngừa bệnh đau vai của bác sĩ Khoa Vật lý trị liệu để bảo vệ khớp vai của mình:

1. Thả lỏng khớp vai, từ từ đưa 1 tay bắt chéo qua ngực kéo cánh tay càng xa càng tốt, giữ cánh tay ở phần trên khuỷu. Giữ và kéo giãn cánh tay trong vòng 30 giây, sau đó thư giãn 30 giây. Sau đó đổi hướng sang bên tay còn lại.

2. Đứng thẳng, hai chân rộng bằng vai, 2 tay đưa ra phía sau. Tay lành nắm lấy đầu gậy, tay đau nắm lấy thân gậy. Tay lành từ từ đưa gậy dịch chuyển sang ngang. Giữ 30 giây và thư giãn 30 giây, rồi tập động tác tiếp theo

3. Tay lành bám vào bàn, ghế hoặc một vật chắc chắn, để hỗ trợ động tác. Tay bệnh có thể vận động được tự do ở bên thân mình. Dao động tay nhẹ nhàng đau theo hướng trước sau, ngang và vòng tròn

4. Cầm một đầu gậy bằng tay đau, tay kia cầm đầu còn lại. Với cả 2 khuỷu tay vuông góc. Di chuyển gậy theo chiều dọc sao cho tay đau di chuyển ra phía ngoài tối đa. Giữ 30 giây, sau đó thư giãn cơ tay và làm lại lần tiếp theo.

5. Nằm nghiêng, vai đau ở bên dưới, cánh tay vuông góc với thân, khuỷu gấp 90 độ, đầu đặt trên gối thật thoải mái. Dùng tay khỏe hỗ trợ xoay tay đau ép xuống giường, sao cho không gây đau.Giữ 30 giây, thư giãn 30 giây, rồi làm động tác tiếp theo.

6. Sử dụng một dây thun cột vào tường hoặc một vị trí chắc chắn. Đứng cách xa so với vị trí cột dây thun khoảng 3 bàn chân. Tay đau cầm dây tập và kéo về phía sau với tay sát thân mình.

7. Cũng sử dụng một dây thun như trên. Giữ vai 90 độ so với thân và cánh tay 90 độ so với cẳng tay. Sau đó từ từ xoay khuỷu tay, cánh tay (như hình bên) tối đa có thể. Luôn giữ khuỷu tay ngang bằng với vai.

8. Cũng sử dụng một dây thun như trên. Đứng với tay đau cầm băng thun, khuỷu tay vuông góc, cánh tay ép sát người. Xoay, từ từ kéo băng thun sát vào phía trước thân mình, giữ khoảng 30 giây, trở lại vị trí ban đầu.

9. Cũng sử dụng một dây thun như trên. Đứng với tay đau cầm băng thun, khuỷu tay vuông góc, cánh tay ép sát người. Xoay, từ từ kéo băng thun sát vào phía trước thân mình, giữ khoảng 30 giây, trở lại vị trí ban đầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục