Hỗ trợ đào tạo kỹ năng sơ cấp cứu cho nhân viên nhà thuốc

P.V, icon
05:08 ngày 23/05/2023

VTV.vn - Tai nạn thương tích có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu và nếu được sơ cấp cứu đúng cách, kịp thời, người bị nạn sẽ giảm tình trạng thương tật, thậm chí cả nguy cơ tử vong.

Hình minh hoạ.

Khoảng thời gian một giờ đầu tiên sau khi bị tai nạn được coi là "giờ vàng" để cấp cứu nạn nhân. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam, rất nhiều trường hợp, khoảng thời gian "giờ vàng" này chưa được tận dụng triệt để.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, yếu tố quan trọng nhất là cấp cứu cho người bị thương càng sớm càng tốt. Hầu hết tử vong xảy ra trong những giờ đầu tiên sau tai nạn do hệ thống hô hấp bị ảnh hưởng, đường thở bị tắc hoặc do bị mất nhiều máu, tất cả những vấn đề này đều có thể xử trí được nhờ sơ, cấp cứu. Nếu được sơ cấp cứu kịp thời, nạn nhân tai nạn thương tích, tai nạn giao thông có thể giảm đáng kể tỷ lệ tử vong cũng như những biến chứng, chấn thương.

Đây cũng là lý do mà Bệnh viện Quân y 175 rất chú trọng đến hoạt động sơ cấp cứu ban đầu.

Trên thực tế từ năm 2019, Trạm cấp cứu 115 tại Bệnh viện Quân y 175 đã ra đời, hoạt động 24/24 giờ với hệ thống xe cứu thương đúng chuẩn, trang thiết bị y tế chuyên dụng với quy trình xuất xe nhanh, ngay sau khi nhận điều phối từ tổng đài Trung tâm Cấp cứu 115 TP Hồ Chí Minh.

Việc ra mắt Trạm cấp cứu vệ tinh 115 tại Bệnh viện Quân y 175 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác chăm sóc sức khoẻ người dân trên địa bàn thành phố, đặc biệt là khu vực quận Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Quận 12… Qua đó, thể hiện sự chung tay của bệnh viện quân đội trong việc góp phần chia sẻ áp lực cấp cứu, điều trị bệnh ngày càng cao của thành phố.

Hỗ trợ đào tạo kỹ năng sơ cấp cứu cho nhân viên nhà thuốc - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, sau chuyến bay thử nghiệm thành công vào ngày 8/11/2019, hơn một năm sau, sân bay cấp cứu bằng trực thăng trên nóc tòa nhà Viện Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Quân y 175 chính thức đi vào sử dụng. Khi đi vào vận hành, ngoài phục vụ vận chuyển cấp cứu cho chiến sĩ và người dân gặp tai nạn ở Trường Sa, sân bay cấp cứu bằng trực thăng của bệnh viện sẽ trở thành điểm phát triển cấp cứu nhanh, hướng đến là Trung tâm cấp cứu đa năng đường bộ – đường thủy – đường không.

Qua đó giải quyết tất cả tình huống, sự cố thảm họa, thiên tai nhằm đảm bảo phục vụ tốt sức khỏe cán bộ, nhân dân TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành lân cận và trong khu vực.

Không dừng ở đây, bệnh viện đang hướng đến các hoạt động đào tạo sơ cấp cứu ngoại viện, nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng sơ cấp cứu trong cộng đồng. Gần đây nhất, Bệnh viện Quân y 175 đã ký kết hợp tác hỗ trợ huấn luyện, đào tạo cho đội ngũ cán bộ nhân viên của Mạng lưới nhà thuốc Pharmacity về sơ cấp cứu, hồi sinh tim phổi cơ bản, chuyên môn dược, cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác.

Với khoảng 1.000 nhà thuốc trên toàn quốc, cùng đội ngũ hơn 4.200 dược sĩ, các khoá huấn luyện, đào tạo tới đây sẽ phát huy tối đa vai trò của mạng lưới nhà thuốc này - không chỉ phân phối thuốc, mạng lưới nhà thuốc của Pharmacity sẽ phát huy vai trò tích cực trong việc tư vấn, hỗ trợ sơ cấp cứu trong cộng đồng.

Hỗ trợ đào tạo kỹ năng sơ cấp cứu cho nhân viên nhà thuốc - Ảnh 2.

Trước đó, trong những năm qua, Bệnh viện Quân y 175 và Pharmacity đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa như: Khám bệnh, phát thuốc và trao quà cho người dân biên giới tại Bình Phước; Tây Ninh, hỗ trợ thuốc và các vật tư y tế cho người dân tại Quần đảo Trường Sa và nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn khác… Việc phối hợp nâng cao kỹ năng sơ cấp cứu cho nhân viên nhà thuốc của Pharmacity sẽ nâng tầm sứ mệnh của cả Bệnh viện Quân y 175 và mạng lưới nhà thuốc Pharmacity trong việc tham gia bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Theo như công bố của Trung tâm Tham khảo Sơ cấp cứu Toàn cầu (GFARC), đối với trẻ em, ở độ tuối nhỏ, trẻ vẫn có thể thực hiện sơ cứu và cứu sống một thành viên trong gia đình và bạn cùng trường. Hơn nữa, bản thân trẻ cũng đối mặt với nguy cơ xảy ra tai nạn ngoài ý muốn rất cao. Do đó, người xung quanh trẻ cần có kỹ năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Và để ngăn ngừa tai nạn xảy ra, điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức của trẻ bằng cách xác định mối đe dọa tiềm tàng trong môi trường xung quanh.

Đối với người lớn tuổi, đây là lứa tuổi dễ bị ốm đau và tai nạn té ngã, đồng thời mắc phải các bệnh về tim mạch, tiểu đường… Trong một thế giới đang có xu hướng già hóa dân số, việc người lớn tuổi có kiến thức và thực hành sơ cấp cứu là vô cùng quan trọng. Người lớn tuổi cần nhận thức được các nguy cơ mà họ phải đối mặt, cũng như các biện pháp phòng ngừa, nhận biết các dấu hiệu sớm, sơ cứu các trường hợp khẩn cấp giúp giảm thiểu tổn thương và tăng khả năng sống sót.

Và đối với người trưởng thành, họ là lực lượng có trình độ sơ cấp cứu cao nhất, nhưng điều cần thiết là phải liên tục đào tạo để tăng cường kỹ năng tự giúp mình, cũng như phản ứng nhanh và chính xác khi gặp tai nạn liên quan đến cha mẹ, con trẻ trong gia đình hoặc kể cả người lạ.

Nguồn: Trung tâm Cấp cứu 115, TP. Hồ Chí Minh

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục