Long An tăng cường công tác giám sát, phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ

TTXVN, icon
03:45 ngày 11/10/2023

VTV.vn - UBND tỉnh Long An vừa có văn bản khẩn gửi các ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội trong tỉnh về tăng cường công tác giám sát, phòng bệnh đậu mùa khỉ.

Hình minh họa.

Theo đó, ghi nhận từ tháng 9/2023 đến nay các cơ quan chức năng đã phát hiện 6 ca bệnh đậu mùa khỉ tại TP. Hồ Chí Minh (số liệu do Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cung cấp), trong đó có 2 ca nhập cảnh. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Long An cũng đã ghi nhận 1 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ (có hộ khẩu, sinh sống tại tỉnh Long An và đi làm mỗi ngày tại thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh).

Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc gần, qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và qua tiếp xúc với vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Bệnh thường diễn tiến nặng ở trẻ em, phụ nữ mang thai và người bị suy giảm miễn dịch. Thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày (thường từ 6-13 ngày). Bệnh có các biểu hiện triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa, tuy nhiên hay gặp phát ban giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn và có hạch to, một vài trường hợp diễn tiến nặng và có thể gây tử vong.

Để chủ động các giải pháp phòng, chống hiệu quả bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Long An yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan: Tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ, nhất là trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi); đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế... Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi, tư vấn kịp thời, đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

Sở Y tế theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; chỉ đạo các cơ sở y tế chủ động lấy mẫu gửi Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đối với những trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ (theo hướng dẫn của Bộ Y tế); tiếp tục cập nhật các tài liệu chuyên môn và hướng dẫn giám sát phòng, chống bệnh đậu mùa khi trên địa bàn; tập huấn phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho nhân viên y tế tham gia điều trị tại tất cả các tuyến. Bên cạnh đó, sẵn sàng phương án thu dung, theo dõi và điều trị bệnh nhân hoặc ca nghi ngờ (nếu có); đảm bảo đủ cơ số thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị và giường bệnh để kịp thời tiếp nhận điều trị sớm bệnh nhân, những trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn của tỉnh thì chuyển tuyến an toàn, kịp thời, hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong…

Trước đó, ngày 8/10, Trung tâm Y tế huyện Cần Giuộc nhận được thông tin 1 trường hợp nghi ngờ đậu mùa khỉ từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An, có địa chỉ làm việc tại phường An Khánh, thành phố Thủ Đức. Bệnh nhân tên H.V.N.X.T, sinh năm 1981, giới tính nam, địa chỉ thường trú và nơi ở tại khu phố Tân Xuân, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, Long An. Anh X.T làm quản lý nhân viên nhà hàng, ngày khởi phát bệnh 17/9, ngày khám bệnh 6/10; có các triệu chứng nghi ngờ đậu mùa khỉ, lấy mẫu ngày 6/10. Kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh ngày 9/10, bệnh nhân X.T dương tính với bệnh đậu mùa khỉ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục