Người bệnh đái tháo đường cần làm gì để phòng COVID-19

P.V, icon
08:10 ngày 29/04/2020

VTV.vn - Người bệnh đái tháo đường cùng với các bệnh lý tim mạch, phổi mãn tính nếu mắc COVID-19 sẽ có nguy cơ cao tiến triển nặng hơn so với người không bị các bệnh này.

Nghiên cứu từ hơn 44.000 người mắc COVID-19 tại Trung Quốc cho thấy: tỷ lệ tử vong chung là 2,3% trong khi tỷ lệ tử vong do tim mạch là 10,5%, đái tháo đường là 7,3%, bệnh phổi mãn tính là 6,3% và ung thư là 5,3%. Do vậy, việc phòng bệnh đối với bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính không lây là rất quan trọng.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương, để phòng ngừa sự lây lan của dịch COVID-19, người bệnh đái tháo đường cần thực hiện những yêu cầu sau:

- Uống thuốc đúng theo chỉ định của thầy thuốc.

- Không được tự ý bỏ thuốc hoặc tăng liều thuốc.

- Luôn đảm bảo đủ thuốc điều trị tại gia đình.

- Tự theo dõi đường huyết, huyết áp, nhiệt độ và các triệu chứng liên quan đến dịch: ho, sốt, khó thở…

- Nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường nghi ngờ nhiễm COVID-19, lập tức liên hệ với y tế tại nơi cư trú để được khám, xét nghiệm chẩn đoán bệnh.

- Nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường liên quan đến bệnh đái tháo đường, tim mạch: đau ngực, khát nước, tiểu nhiều, sụt cân… hoặc đường huyết luôn giao động tăng cao hoặc hạ đường huyết, lập tức liên hệ với bác sĩ điều trị hoặc đến khám ở cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn, xử lý biến chứng kịp thời.

Chế độ dinh dưỡng

Khẩu phần ăn lành mạnh, cân đối các thành phần: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin, chất khoáng và chất xơ. Thực hiện các khuyến cáo về chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh đái tháo đường và bệnh tim mạch.

Ăn đúng bữa, không bỏ bữa. Ăn vừa đủ no, không nên ăn no quá. Cần kiểm soát bữa phụ nếu có.

Tăng cường protein trong khẩu phần ăn hàng ngày. Nguồn protein cần cân đối giữa đạm động vật và đạm thực vật (60:40) nhằm tăng cường hệ thống miễn dịch, đề kháng của cơ thể. Thông thường, protein được khuyến cáo là 0,8 g/kg cân nặng/ngày nhưng để phòng chống dịch, protein được tăng lên hơn 1g/kg cân nặng/ngày. Người nhiễm virus cần tăng đến 1,3 g/kg cân nặng/ngày. Đặc biệt lưu ý những bệnh nhân có thói quen ăn ít đạm động vật hoặc người suy dinh dưỡng cần tăng cường hơn nữa.

Tăng cường ăn hoa quả tươi vì có nhiều vitamin và chất khoáng. Người bệnh có thể bổ sung thêm một số chất cần thiết như: vitamin A, C, nhóm B, kẽm, selen…

Uống đủ nước và thường xuyên uống nước tránh khô họng. Hạn chế uống rượu bia, không hút thuốc lá.

Ngoài ra, để duy trì sức khỏe, hạn chế tăng cân đặc biệt hạn chế mất cơ vân, người bệnh cần lưu ý khi tăng vận động trong không gian hẹp (trong nhà). Hạn chế ngồi lâu xem ti vi, đọc báo, xem phim… tăng vận động trong các hoạt động hàng ngày như đi lên xuống cầu thang, làm việc nhà, chăm sóc cây… Người bệnh nên duy trì tập luyện trên 1 giờ/mỗi ngày tùy theo sức khỏe của mình.

Duy trì tập thể dục hàng ngày. Để tránh nhàm chán khi tập luyện cũng như tăng hiệu quả tập luyện người bệnh có thể lựa chọn các video, clip tập luyện phù hợp của các huấn luyện viên chuyên nghiệp trên internet để tập theo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục