Người Việt sản xuất và tiêu thụ 270 triệu lít rượu/năm

Lê Thạch, icon
06:54 ngày 01/02/2018

VTV.vn - Đây là số liệu được đưa ra tại Hội thảo tăng cường phòng chống ngộ độc rượu trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội Xuân 2018, diễn ra chiều 31/1.

Niêm phong rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ

Tại hội thảo, Bộ Y tế tiếp tục nhấn mạnh: rượu, bia là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương và là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh. Thế nhưng, lượng rượu được sản xuất và tiêu thụ trong nước hàng năm vẫn cao ngất.

Các loại rượu được tiêu thụ trên thị trường hiện nay được sản xuất từ 3 nguồn chủ yếu: rượu được nhập khẩu chính ngạch, rượu được sản xuất quy mô công nghiệp trong nước và rượu sản xuất từ hộ gia đình, làng nghề. Thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu - đặc biệt là rượu thủ công truyền thống diễn biến phúc tạp tại nhiều địa phương.

Người Việt sản xuất và tiêu thụ 270 triệu lít rượu/năm - Ảnh 1.

Các ca ngộ độc cồn công nghiệp khá phổ biến ở Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai

Ghi nhận từ các bệnh viện cho thấy: các vụ ngộ độc rượu gần đây xảy ra chủ yếu là do các đối tượng đã pha chế cồn công nghiệp, có nồng độ methanol cao gấp nhiều lần giới hạn cho phép, sau đó bán cho người tiêu dùng gây ngộ độc cấp tính. Bên cạnh đó, những người có tiền sử nghiện rượu hoặc các bệnh về tiêu hoá khi dùng rượu dễ gây ngộ độc đe dọa đến tính mạng. Trong khi đó, nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của việc sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, rượu ngâm động, thực vật... còn hạn chế, càng làm cho tình trạng ngộ độc rượu gia tăng.

Đáng lo ngại hơn, khi xảy ra ngộ độc rượu, các nạn nhân ít được cấp cứu, điều trị kịp thời do lầm tưởng các triệu chứng ban đầu của ngộ độc với hiện tượng say rượu thông thường.

Thống kê trong giai đoạn 2013 - 2017, cả nước có 28 vụ ngộ độc rượu làm 193 người mắc, 179 người nhập viện và 34 người tử vong.

Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu mua bán, tiêu thụ rượu được nhận định sẽ lại tăng cao. Đây là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng trục lợi bằng các hành vi gian dối, bất chấp việc vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc cho người tiêu dùng. Bộ Y tế một lần nữa khuyến cáo mạnh mẽ: cần có sự vào cuộc ráo riết của chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý sản xuất kinh doanh rượu để bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội 2018.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục