Những công dụng bất ngờ từ ớt

Nguyễn Liên, icon
07:03 ngày 27/10/2018

VTV.vn - Ớt đặc biệt hữu dụng trong các trường hợp đau nhức nửa đầu, đau lưng, mụn nhọt và rất nhiều loại bệnh phổ biến khác.

Quả ớt (Hình minh họa: marketgardenleeds.co.uk)

Ớt là gia vị quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của mỗi chúng ta. Quả ớt vị cay nồng khi thêm vào các loại đồ chấm, các món xào sẽ khiến món ăn thêm phần thơm ngon, hấp dẫn. Trong y học dân gian, ớt cũng là vị thuốc rất phổ biến để chữa nhiều loại bệnh.

Theo cuốn sách "Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam" (NXB Khoa học và Kỹ thuật), quả ớt có vị cay, tính nóng, có tác dụng tiêu đờm, ôn trung, tán hàn, giải biểu, kiện vị, tiêu thực, gây sung huyết, kích thích chung, thông kinh lạc, giảm đau, sát trùng. Quả ớt có nhiều công dụng trong trị các chứng tỳ vị hư lạnh, tiêu chảy, hắc loạn, nôn mửa, dạ dày ruột đầy trướng, mất trương lực, tích trệ, ăn không tiêu, đau nhức nửa đầu, đau lưng, đau khớp, thống phong, đau dây thần kinh, viêm thanh quản, viêm họng.

Theo đó, khi bị đau nhức nửa đầu, lấy dầu ớt hoặc quả ớt thật cay bẻ đôi, chấm vào mũi bên nửa đầu bị đau, cơn đau nhức sẽ hết rất nhanh. Sau đó, để làm hết cảm giác cay, lấy tóc chấm vào chỗ bị cay. Để chữa đau lưng, thấp khớp, đau dây thần kinh, lấy quả ớt giã nát, ngâm rượu với tỷ lệ ½ (một phần ớt tươi, hai phần rượu dùng để xoa bóp). Cũng có thể lấy hạt ớt khô, tán bột mịn làm cao dán (dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác).

Ngoài ra, quả ớt chín để tươi, giã nát, lấy chất cay chà vào vết thương còn có công dụng giúp giảm đau khi bị cá trê hoặc cá có ngạnh đâm vào thịt.

Bên cạnh quả ớt, lá ớt hay rễ ớt cũng có rất nhiều công dụng trong điều trị bệnh.

Lá ớt có vị đắng, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu. Lá ớt có thể chữa trúng phong, răng cắn chặt với công thức lá ớt tươi (loại ớt chỉ thiên) từ 30 đến 50g giã nát, thêm nước và ít muối, đổ nước vào miệng còn bã đắp vào răng sẽ tỉnh lại. Để chữa sốt rét, lấy lá ớt tươi 30g giã nát, hòa với nước đun sôi để nguội, chắt nước cốt uống trước khi lên cơn 2 giờ. Ngày làm một lần. Dùng từ 5 đến 7 ngày liền. Công thức lá ớt tươi từ 30 đến 40g sao vàng, sắc uống trong ngày là bài thuốc chữa phù thũng hiệu quả. 

Bên cạnh đó, lá ớt khi dùng bên ngoài làm thuốc bôi, đắp còn có công dụng chữa mụn nhọt, mụn đầu đinh, eczema (một loại bệnh viêm da), vết thương và chữa rắn cắn.

Những công dụng bất ngờ từ ớt - Ảnh 1.

Lá ớt (Hình minh họa: cz.depositphotos.com)

Rễ ớt thì có tác dụng làm hoạt huyết, tán thũng. Rễ ớt được xem là bài thuốc hiệu quả trong chữa đau bụng kinh niên hay nứt nẻ ngoài da.

Theo các chuyên gia y học cổ truyền, có một số trường hợp không nên dùng ớt là người bị đau dạ dày, tạng nhiệt và máu nóng.

Một số bài thuốc có ớt:

- Chữa rắn cắn, côn trùng đốt: ớt tươi 15 quả, lá đu đủ 3 lá, rễ ớt chỉ thiên 80g, tất cả giã nát, thêm nước, gạn nước uống, bã dùng đắp lên vết cắn. Nếu là rết và côn trùng đốt thì dùng lượng ít hơn. Cũng có thể dùng riêng lá ớt tươi lượng vừa đủ giã nát, đắp vào vết cắn. Sau từ 15 đến 30 phút nếu còn đau nhức làm thêm lần nữa.

- Chữa bệnh eczema: lá ớt tươi 30g, me chua 20g, hai thứ giã nát đắp, thường dùng từ 5 đến 10 ngày là khỏi.

- Chữa mụn nhọt, đinh độc, vết thương (3 bài thuốc) :

  + Lá ớt, lá na, lá bồ công anh, lá tử vi, lá táo mỗi thứ từ 10 đến 20g, giã nát với một ít muối để đắp.

  + Lá ớt, cành xương rồng bà có gai, lá mồng tơi mỗi thứ từ 5 đến 10g, giã nát nhuyễn để đắp.

  + Cao bôi hoặc dán trị vết thương, mụn nhọt: mật lợn 1 lít, lá ớt tươi, lá trầu không tươi, hành, tỏi mỗi thứ 300g. Hành tỏi bóc vỏ, giã với lá trầu không và lá ớt rồi nấu với 1 lít nước để được 300ml, thêm 1kg đường, cô thành cao lỏng. Cho mật lợn vào cao, canh kĩ đến khi thấy sền sệt là được. Bôi trực tiếp hoặc phết thuốc lên giấy bản để dán vào vết thương, vết mụn nhọt.

- Chữa đau bụng kinh niên: rễ ớt, rễ chanh, rễ xuyên tiêu mỗi thứ 10g sao vàng, sắc uống trong ngày. Dùng trong nhiều ngày.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục