Nỗ lực đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân

Diệu Linh, icon
04:54 ngày 28/12/2023

VTV.vn - Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn ngành y tế Hà Nội đã tập trung triển khai nhiều giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Nhiều ca bệnh khó được thực hiện thành công tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang.

Số lượt khám, chữa bệnh tăng

Theo báo cáo kết quả công tác khám, chữa bệnh của Sở Y tế, trong 11 tháng đầu năm 2023, tổng số lượt khám, chữa bệnh toàn ngành đạt 8.275.688 lượt, tăng 14,9 % so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ là 7.196.251 lượt). Trong đó, số lượt khám bảo hiểm y tế là 4.236.784 lượt (tăng 4,5% so với cùng kỳ); số lượt chuyển tuyến là 135.482 lượt (1,83%), giảm so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ là 160.952 lượt). 100% cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai hệ thống khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT điện tử (VSSID); lắp đặt các thiết bị đọc thẻ căn cước công dân gắn chíp để dần sử dụng thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế.

Ngay từ đầu năm 2023, Sở Y tế đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn tại đơn vị. Tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh gắn với đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp.

Phát huy vai trò của các chuyên khoa đầu ngành, Sở Y tế giao nhiệm vụ cho các bệnh viện phụ trách 30 chuyên khoa đầu ngành thực hiện đào tạo, tập huấn, cập nhật các kiến thức chẩn đoán, điều trị cho các đơn vị trong ngành; hỗ trợ các đơn vị rà soát, điều chỉnh và xây dựng bổ sung quy trình chuyên môn kỹ thuật để phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị hướng tới an toàn người bệnh. Giao nhiệm vụ cho các bệnh viện hạng 1, bệnh viện chuyên khoa đầu ngành xây dựng kế hoạch phát triển chuyên môn kỹ thuật cao, kỹ thuật mũi nhọn để triển khai thực hiện, đồng thời cùng với các đơn vị xác định các vấn đề, các hoạt động chuyên môn có thể phát triển thành thế mạnh của bệnh viện. Các chuyên khoa đầu ngành thực hiện nhiều buổi tập huấn chuyên môn nghiệp vụ trực tiếp và trực tuyến cho các đơn vị trong ngành. Các đơn vị thực hiện tốt như Bệnh viện Thanh Nhàn, đa khoa Xanh Pôn, đa khoa Đức Giang, Phụ sản Hà Nội, Tim Hà Nội.

Tại các bệnh viện đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch giảm chuyển tuyến với nhiều biện pháp như đào tạo, tập huấn, phát triển chuyên môn nghiệp vụ nhằm đảm bảo đáp ứng công tác khám chữa bệnh theo danh mục kỹ thuật chuyên môn theo phân tuyến bệnh viện. Nhiều bệnh viện đã rà soát, bổ sung danh mục kỹ thuật chuyên môn để triển khai thêm dịch vụ kỹ thuật phục vụ cho nhu cầu người bệnh.

Cũng trong năm nay, Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì và Trung tâm Y tế huyện Ba Vì triển khai hoạt động khám chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ và chỉ đạo tuyến theo mô hình bệnh viện "CHỊ - EM" trong đó đẩy mạnh công tác hội chẩn trực tuyến, đi buồng trực tuyến. Kết quả bước đầu người bệnh đã được hưởng lợi bởi các biện pháp cải tiến quy trình khám chữa bệnh và hội chẩn theo phương thức hội chẩn từ xa.

Tiếp tục phát triển các kỹ thuật mới, chuyên sâu

Trong năm 2023, các bệnh viện đã tăng cường thực hiện và phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị để thu hút và "giữ chân" người bệnh. Điển hình, tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thực hiện kỹ thuật nội soi buồng ối điều trị hội chứng truyền máu song thai bằng laser; Truscreen sàng lọc ung thư cổ tử cung; kỹ thuật truyền dịch vào buồng ối; kỹ thuật nội soi buồng ối điều trị hội chứng dải xơ buồng ối bằng laser.

Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, nhiều kỹ thuật chuyên khoa sâu được thực hiện thường quy như thay van động mạch chủ qua da; đặt stent graft động mạch chủ ngực, đặt stent graft động mạch chủ bụng; can thiệp tim bẩm sinh, trẻ sơ sinh thấp cân (stent, coil...), điều trị loạn nhịp bằng RF với hệ thống Mapping 3D, đốt ngoại tâm mạc, hội chứng Brugada; tạo nhịp 3 buồng tim, tạo nhịp bó HIS.

Tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội là kỹ thuật xét nghiệm hóa mô miễn dịch, xét nghiệm gen chẩn đoán chuyên sâu thêm một số bệnh lý ung thư; xét nghiệm tế bào học bằng phương pháp Liqui-Prep; kỹ thuật Cell-block; xạ trị điều biến liều trong ung thư đầu cổ; phẫu thuật bằng laser trong ung thư thanh quản giai đoạn sớm; chụp 18F-NAF PET/CT trong chẩn đoán ung thư xương nguyên phát và di căn xương.

Các kỹ thuật khó, can thiệp chuyên sâu được thực hiện tại Bệnh viện Thanh Nhàn như phẫu thuật hàn liên thân đốt cột sống thắt lưng lối bên (TLIF); thăm dò huyết động không xâm lấn Icon; thăm dò huyết động xâm lấn Most care. Tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang điều trị suy tĩnh mạch bằng laser nội mạch; HDF-online (lọc máu bằng kỹ thuật thẩm tách siêu lọc dịch bù trực tiếp bằng dịch lọc); nội soi buồng tử cung can thiệp.

Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn thực hiện nhiều kỹ thuật ngang tầm khu vực và thế giới như phẫu thuật nội soi 1 lỗ/1 đường rạch trong các bệnh lý tiết niệu ở trẻ em; phẫu thuật nội soi tạo hình khúc nối bể thận niệu quản theo nguyên tắc Finney; phẫu thuật nội soi sử dụng kim chuyên dụng điều trị thoát vị hoành ở trẻ sơ sinh; các phẫu thuật thay khớp nhân tạo, phẫu thuật chỉnh hình nhi, phẫu thuật tiêu hóa…

Trong khi đó, hiện các bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện được phẫu thuật nội soi trong ngoại khoa, sản khoa để dần trở thành hoạt động thường quy. Nhiều bệnh viện trực thuộc ngành trong năm 2023 đã thực hiện đề xuất và triển khai thí điểm nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật vượt tuyến để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Đồng thời chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân khi đi khám, chữa bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục