TP Hồ Chí Minh: Bệnh tay chân miệng tăng, nhiều trẻ diễn tiến nặng

Đông Khánh, icon
12:08 ngày 04/11/2023

VTV.vn - Số ca mắc tay chân miệng tại TP Hồ Chí Minh tăng 14% so với trung bình 4 tuần trước. Nhiều bệnh nhi phải sử dụng kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) để cứu sống.

Bà Phương luôn túc trực chăm sóc cho cháu mình trong những ngày điều trị tại bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh. Sau hơn 3 ngày điều trị, hiện tay chân của cháu bà vẫn còn dấu hiệu mụn nước.

Bà Phương cho biết, cháu mắc tay chân miệng với các dấu hiệu sốt nhẹ, mệt mỏi nhưng sau đó bất ngờ có các biểu hiện diễn tiến nhanh co giật, nên gia đình lập tức đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu.

"Gia đình thì nào giờ không có ai bị nhưng mà tự nhiên sao có con bé này, nhưng mà lúc đầu chưa phát hiện nó tay chân miệng đâu, chỉ nghĩ là nó sốt co giật thôi, biểu hiện của nó thì rất là lẹ" - bà Phương nói.

TP Hồ Chí Minh: Bệnh tay chân miệng tăng, nhiều trẻ diễn tiến nặng - Ảnh 1.

Bà Phương vẫn còn lo sợ vì các diễn tiến nhanh của bệnh tay chân miệng. (Ảnh: Đông Khánh)

Tại bệnh viện nhi đồng 2, số ca mắc tay chân miệng vẫn còn rất đông, bệnh viện cũng đã bố trí thêm giường bệnh để đảm bảo điều trị cho bệnh nhân.

TP Hồ Chí Minh: Bệnh tay chân miệng tăng, nhiều trẻ diễn tiến nặng - Ảnh 2.

Bác sĩ Nguyễn Đình Qui kiểm tra sức khỏe cho 1 bệnh nhân mắc tay chân miệng. (Ảnh: Đông Khánh)

Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Đình Qui - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh, thời điểm này cùng lúc có bệnh sốt xuất huyết lưu hành ở phía Nam, các triệu chứng sốt khá giống tay chân miệng nên các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần chú ý các triệu chứng phân biệt giữa hai bệnh.

"Quý phụ huynh phải để ý những trường hợp này rằng là sốt từ hai đến ba ngày thì sốt cao 39-40 độ thì bắt buộc phải đi khám rồi, khám để làm cái gì, thì bác sĩ sẽ khám xem có bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân xem thử có rát miệng hay không để người ta nghĩ theo hướng tay chân miệng." - Bác sĩ Qui nói thêm.

TP Hồ Chí Minh: Bệnh tay chân miệng tăng, nhiều trẻ diễn tiến nặng - Ảnh 3.

Khu cách ly, điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh bố trí thêm giường bệnh để đảm bảo điều trị cho bệnh nhân. (Ảnh: Đông Khánh)

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, từ ngày 23 đến 29/10 (tuần 43), tại thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 1.902 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 14% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2023 đến tuần 43 là 34.521 ca. 

Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Nhà Bè, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh.

"Thông thường một đợt dịch tay chân miệng, một đợt dịch kéo dài khoảng từ 3 tới 4 tháng mà chúng ta phát ra khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6, thì bây giờ nó cũng đã đủ 3 4 tháng để mà cho nó giảm đi, tuy nhiên cái quan trọng nữa là chúng ta bị thiếu nợ miễn dịch, thành ra cái thời gian nó sẽ kéo dài hơn và cộng thêm một cái nữa là di chuyển từ cái bệnh viện tỉnh lên đây quá nhiều đi và quá tải cục bộ." - bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch Liên Chi hội truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh cho biết.

TP Hồ Chí Minh: Bệnh tay chân miệng tăng, nhiều trẻ diễn tiến nặng - Ảnh 4.

Biểu đồ thể hiện xu hướng dịch bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh từ đầu năm 2023 đến nay.

Theo các chuyên gia y tế, tay chân miệng là bệnh lưu hành quanh năm. Với việc diễn biến số ca vẫn còn tăng và diễn biến nặng hiện nay, các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh cần chú ý phòng bệnh cho trẻ với  3 sạch, ăn uống sạch, đồ chơi sạch và bàn tay sạch.

Về phía điều trị, hiện Bộ y tế cũng đã đề nghị các tỉnh thành nhanh chóng chủ động kế hoạch dự trữ, mua sắm để phục vụ điều trị cho người bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục