Chuyên gia nói gì về thảm kịch ngập đường hầm ở Hàn Quốc?

An Ngọc-Thứ tư, ngày 19/07/2023 08:18 GMT+7

VTV.vn - Thảm kịch ngập đường hầm do mưa lũ tại Hàn Quốc khiến 14 người thiệt mạng một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo về thiên tai và phòng ngừa. Các chuyên gia lên tiếng.

Những con số lạnh lẽo

Buổi sáng ngày 15/7, chiếc xe buýt 747 của công ty xe buýt thành phố Cheongju được cho là đã quyết định đổi lộ trình do tuyến đường quen thuộc bị đóng cửa do mưa lớn. Con đường được chọn thay thế là đường hầm Gungpyeong. Đường hầm nằm gần sông Miho với mực nước dâng cao kỷ lục do những trận mưa lớn diễn ra gần như trong 3 ngày liên tục. Đê bao bị vỡ và nước sông đã đổ ập vào đường hầm như một quả bom nước với vận tốc và lưu lượng cực lớn. Chỉ trong vòng 3 phút, đường hầm gồm 4 làn, dài 685m đã bị ngập trong 6 tấn nước. 17 phương tiện bị mắc kẹt, bao gồm 1 xe buýt và 2 xe tải. Có giả thiết cho rằng, chiếc xe buýt đã bị lật ngang trong nước, chặn lối ra, khiến các phương tiện khác bị kẹt lại.

48h đồng hồ sau thảm kịch, hàng trăm nhân viên cứu hộ vẫn nỗ lực rà soát vùng nước đục ngầu trong đường hầm. Nước lúc này dâng cao đến đầu gối họ. Khó ai có thể tưởng tượng được rằng, nơi này đã từng ngập đến trần. Vào thời điểm đó, 13 thi thể đã được đưa ra khỏi đường hầm. Vẫn còn 1 người mất tích và các nhân viên cứu hộ kiên quyết không bỏ cuộc. Tuy nhiên, không có phép mầu nào xảy ra, thi thể thứ 14 cuối cùng đã được tìm thấy. Đêm 17/7, Bộ Nội vụ Hàn Quốc thông báo chiến dịch tìm kiếm cứu nạn kết thúc.

Lời cảnh tỉnh từ thiên nhiên

Giới chuyên gia nhận định, thảm kịch ngập đường hầm do mưa lũ tại Hàn Quốc là một hồi chuông cảnh tỉnh từ tự nhiên. Biến đổi khí hậu không còn là một khái niệm xa xôi mà đã tác động đến từng người dân với các hiện tượng thời tiết cực đoan, từ nắng nóng gây hạn hán cho đến mưa lũ gây ngập lụt nghiêm trọng.

Ông Jung Ki-cheol, Kỹ sư thủy văn tại Viện Môi trường Hàn Quốc cho biết, mặc dù lượng mưa trung bình hằng năm dự kiến sẽ không tăng đột ngột từ năm 2021 đến năm 2040, nhưng sự gia tăng mạnh của "những trận mưa lớn" có thể là do biến đổi khí hậu. "Đặc biệt, thiệt hại do lũ lụt sẽ tiếp tục gia tăng, không chỉ do lượng mưa cực đoan mà số ngày mưa cũng tăng lên," ông Jung cho biết trong một báo cáo được công bố vào tháng 12/2022.

Hàn Quốc mới chỉ trải qua nửa đầu mùa mưa năm nay, tuy nhiên lượng mưa đã nhiều hơn cả tổng lượng mưa thông thường của giai đoạn này trong năm. Ít nhất 49 người đã thiệt mạng trong vòng chưa đầy một tuần mưa lớn – bao gồm 14 nạn nhân trong thảm kịch ngập đường hầm ở Cheongju. 

Theo Giáo sư Thái Đức Kiên, Khoa Kỹ thuật Xây dựng và Môi Trường, Đại học Sejong, Hàn Quốc, mưa lớn kéo dài chưa từng có ở Cheongju có thể được xem là nguyên nhân chính dẫn đến thảm kịch này. "Thực tế, mấy năm gần đây hầu như năm nào cũng có mưa lũ lớn ở Hàn Quốc. Nhưng mưa lũ có thể cực lớn ở một vài khu vực trong khi những khu vực khác chịu ảnh hưởng ít hơn, điều đó gây ra khó khăn cho công tác dự báo cũng như công tác chuẩn bị sẵn sàng đối phó. Việc vỡ đê bao là điều khó có thể dự báo, nhưng nó lại là nguyên nhân làm cho nhiều người bị mắc kẹt ở trong hầm và dẫn đến tử vong. Bởi vì vỡ đê, nước đã tràn vào đường hầm quá nhanh, người và phương tiện trở tay không kịp. Khi đang ở trong hầm mà nước ngập vào nhanh như vậy thì không thể nào thoát ra được. Nên nhớ rằng, tất cả các đường hầm nói riêng, và công trình ngầm nói chung đều có hệ thống thoát nước. Nhưng với lưu lượng nước lớn như vậy thì hệ thống thoát nước gần như vô dụng", Giáo sư Thái Đức Kiên cho biết.

 

Tất cả các đường hầm nói riêng, và công trình ngầm nói chung đều có hệ thống thoát nước. Nhưng với lưu lượng nước lớn như vậy thì hệ thống thoát nước gần như vô dụng.

Giáo sư Thái Đức Kiên, Khoa Kỹ thuật Xây dựng và Môi Trường, Đại học Sejong, Hàn Quốc

 

 Nhưng thảm họa có phải chỉ từ trên trời rơi xuống?

Đã có nhiều phân tích sau thảm kịch ngập đường hầm ở Cheongju. Đây là một thảm họa tự nhiên, một ví dụ kinh hoàng về tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đó có hoàn toàn là một thảm họa từ trên trời rơi xuống hay không? Liệu công tác chuẩn bị, ứng phó với nguy cơ thảm họa đã được thực hiện đầy đủ hay chưa?

"Chính những người tham gia giao thông cũng chưa tuân thủ hết hướng dẫn cảnh báo của nhà chức trách về nguy cơ ngập lụt, sạt lở. Có thể do yêu cầu công việc nên người dân vẫn tranh thủ đi lại, vì vậy đã gặp tai nạn đáng tiếc như đã xảy ra. Tuy nhiên, dù đã có những cảnh báo gửi đến người dân, nhưng nhà chức trách địa phương chưa làm tròn vai trò và cách nhiệm của mình trong việc dự báo, cảnh báo và hướng dẫn người dân một cách tốt nhất, nên mới đã xảy ra thảm họa. Việc dự đoán và cảnh bảo là điều quan trọng nhất, có thể giúp cứu sống nhiều người. Còn khi thảm họa đã xảy ra, thì các biện pháp cứu hộ trong trường hợp này không ngăn cản được thảm kịch làm nhiều người bị chết do mắc kẹt." Giáo sư Thái Đức Kiên nhận định.

Một ủy ban điều tra đặc biệt dự định sẽ được thành lập để xác định nguyên nhân tại sao lệnh hạn chế giao thông qua đường hầm này không được đưa ra trong bối cảnh mưa lũ diễn biến phức tạp. 

Theo các chuyên gia, 1 năm sau khi Hàn Quốc tuyên bố tăng cường sẵn sàng ứng phó với thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra, quốc gia này vẫn chưa có nhiều biện pháp ứng phó ngay cả khi có dự báo lượng mưa sẽ bất ngờ và xối xả hơn trong những thập kỷ tới.

Năm 2020, một đường hầm ở Busan đã bị ngập nước do lũ lụt khiến 3 người mắc kẹt và thiệt mạng. Sau vụ việc, các rào chắn chống lũ điều khiển từ xa đã được lắp đặt. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không được mở rộng đến những khu vực dễ bị lũ quét, bao gồm cả Cheongju.

Giới chuyên gia cho rằng các khoản chi đã không được phân bổ thích hợp, quá tập trung vào phục hồi mà không đủ cho phòng ngừa. Ước tính, có hơn 1 triệu địa điểm tại Hàn Quốc dễ bị sạt lở đất nhưng chỉ 1/10 trong số đó được giám sát.

"Chính quyền địa phương phân bổ 1% đến 2% ngân sách cho quỹ thiên tai hằng năm. 30% trong số đó cho các biện pháp phòng ngừa và 70% được sử dụng để phục hồi sau thiên tai. Trong khi ở các nước tiên tiến, họ dành 70% cho phòng ngừa và 30% cho phục hồi, ưu tiên phục hồi hơn phòng ngừa," Giáo sư Lee Su-gon, Chuyên ngành Địa chất, Đại học Seoul cho biết.

Đồng quan điểm, Giáo sư Jeong Chang-sam, Chuyên ngành kỹ thuật, Đại học Induk bày tỏ ý kiến: "Mọi người thích sử dụng các cách diễn đạt như phản ứng nhanh, phục hồi khẩn cấp… nhưng thảm họa khí hậu đã và đang diễn ra rồi. Trong khi nếu tập trung vào các dự án phòng ngừa, chi phí chỉ bằng một nửa so với dự án phục hồi."

 Hàn Quốc vốn có địa hình đồi núi, cùng với đó là sự phát triển đô thị khiến nhiều khu vực dễ bị sạt lở đất, trong khi khả năng sẵn sàng ứng phó với thời tiết khắc nghiệt chưa đáp ứng kịp. Một nghiên cứu năm 2020 của Cục Khí tượng Hàn Quốc cho thấy, chi phí thiệt hại tài sản và thương vong do thời tiết khắc nghiệt đã tăng gấp 3 lần so với mức trung bình hàng năm của thập kỷ trước. Trước tình hình này, giới chức Hàn Quốc cam kết sẽ chi nhiều hơn cho công tác phòng chống thiên tai, với khoảng 2 nghìn tỷ won, cao hơn 20% so với những năm trước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước