COP26 và thời điểm quyết định trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Trang Phan-Thứ năm, ngày 28/10/2021 06:00 GMT+7

VTV.vn - Đây không chỉ là một nhiệm vụ to lớn hay một hội nghị cấp cao toàn cầu, hầu hết các chuyên gia cho rằng COP26 có tính cấp thiết đặc biệt nhất.

Thượng đỉnh khí hậu COP26 tại Glasgow (Anh)

Trong gần 3 thập kỷ, Liên hợp quốc đã tập hợp hầu hết các quốc gia trên thế giới để tham gia các Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu - được gọi là COP - viết tắt của "Conference of the Parties" – tạm dịch là "Hội nghị các bên". Trong thời gian này, biến đổi khí hậu đã từ một vấn đề bên lề trở thành một ưu tiên toàn cầu.

Chỉ còn chưa đầy 4 ngày nữa, COP của năm nay sẽ diễn ra. Đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 26 - lấy tên là COP26. Với Vương quốc Anh là nước chủ nhà, COP26 diễn ra tại Glasgow của nước này. Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ đến Scotland, cùng với hàng chục nghìn nhà đàm phán, đại diện chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong 13 ngày hội đàm, từ ngày 1/11 đến ngày 12/11. Trong thời gian này, nước chủ nhà sẽ làm việc với các quốc gia tham dự để đạt được thỏa thuận về cách đối phó với biến đổi khí hậu.

Đây không chỉ là một nhiệm vụ to lớn hay một hội nghị cấp cao toàn cầu, hầu hết các chuyên gia cho rằng COP26 có tính cấp thiết đặc biệt nhất.

Để hiểu tại sao, hãy cùng nhìn lại một Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu khác: COP21

Thượng đỉnh khí hậu COP21 tại Paris (Pháp) - Hiệp định Paris

COP21 diễn ra tại Paris (Pháp) vào năm 2015.

Lần đầu tiên, một điều quan trọng, có ý nghĩa lớn và ảnh hưởng đến tương lai đã diễn ra: Mọi quốc gia đồng ý hợp tác cùng nhau để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và đặt mục tiêu mức này chỉ là 1,5 độ C, để thích ứng với tác động của biến đối khí hậu và sẵn sàng dành chi phí để thực hiện những mục tiêu này.

Hiệp định Paris ra đời. Cam kết đặt mục tiêu sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C là rất quan trọng vì mỗi một phần nhỏ của sự nóng lên này đều tương ứng với tính mạng con người và sự thiệt hại về sinh kế.

COP26 và thời điểm quyết định trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Tại COP21, các quốc gia đưa ra Đóng góp Quốc gia tự quyết định về biến đổi khí hậu. (Ảnh: AFP)

Theo Hiệp định Paris, các quốc gia cam kết đưa ra các kế hoạch quốc gia và đề ra mức độ giảm lượng khí thải của mình - được gọi là Đóng góp Quốc gia tự quyết định.

Các quốc gia nhất trí rằng cứ sau 5 năm, họ sẽ quay lại nhóm họp với một kế hoạch cập nhật phản ánh tham vọng cao nhất có thể của họ vào thời điểm nhóm họp đó.

COP26 - thời điểm các quốc gia cập nhật kế hoạch của mình

Vốn đã bị trì hoãn 1 năm do đại dịch COVID-19, thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh năm nay ở Glasgow (Anh) là thời điểm khi các quốc gia cập nhật kế hoạch giảm phát thải.

Nhưng đó không phải là tất cả. Bất chấp các cam kết được đưa ra ở Paris, các nước đã không đến gần được với mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ và cánh cửa để đạt được điều này đang dần đóng lại.

Thập kỷ từ nay đến năm 2030 sẽ vô cùng quan trọng. Các quốc gia phải gấp rút hơn nhiều so với thời điểm sau Hội nghị thượng đỉnh COP21 lịch sử đó để có thể đạt được hy vọng giữ sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. COP26 cần phải là Hội nghị mang tính quyết định.

Những điều cần đạt được tại COP26


1. Bảo vệ mức phát thải ròng toàn cầu ở mức 0 và giữ nhiệt độ nóng lên toàn cầu dưới 1,5 độ C

Các quốc gia đang được yêu cầu đưa ra các mục tiêu cắt giảm phát thải đầy tham vọng vào năm 2030 phù hợp với việc đạt mức ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này.

Để thực hiện các mục tiêu kéo dài này, các quốc gia sẽ cần:

Đẩy nhanh quá trình loại bỏ than đá, hạn chế nạn phá rừng, tăng tốc độ chuyển sang xe điện, khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo.

COP26 và thời điểm quyết định trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Các quốc gia được yêu cầu đưa ra các mục tiêu cắt giảm phát thải để đạt mức phát thải ròng bằng 0. (Ảnh: Reuters)


2. Thích ứng để bảo vệ cộng đồng và môi trường sống tự nhiên

Với những tác động tàn phá đã diễn ra trước đây, khí hậu đã và đang thay đổi và nó sẽ tiếp tục thay đổi ngay cả khi chúng ta giảm lượng khí thải.

Tại COP26, các nước cần làm việc cùng nhau để tạo điều kiện và khuyến khích các quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu:

Bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái Xây dựng hệ thống phòng thủ, cảnh báo và cơ sở hạ tầng và nông nghiệp có khả năng chống chịu để tránh mất nhà cửa, sinh kế và thậm chí cả tính mạng


3. Huy động tài chính

Để đạt được hai mục tiêu đầu tiên của mình, các nước phát triển phải thực hiện đúng cam kết đưa ra vào năm 2020 là huy động ít nhất 100 tỷ USD tài chính dành cho khí hậu mỗi năm.

Các tổ chức tài chính quốc tế phải thể hiện rõ vai trò của mình cần nỗ lực hướng tới giải phóng hàng nghìn tỷ USD tài chính cho khu vực công và tư nhân cần thiết để đảm bảo mức phát thải ròng toàn cầu bằng 0.


4. Hợp tác chặt chẽ giữa các nước

Các nước chỉ có thể vượt qua những thách thức của khủng hoảng khí hậu bằng cách làm việc chặt chẽ cùng nhau.

Tại COP26, các nước cần:

- Hoàn thiện Quy tắc Paris (các quy tắc chi tiết của Hiệp định Paris)

- Đẩy nhanh hành động để giải quyết khủng hoảng khí hậu thông qua sự hợp tác giữa các chính phủ, doanh nghiệp và chính quyền.

COP26 và thời điểm quyết định trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu - Ảnh 3.

COP26 sẽ dựa trên những hành động đặt ra tại COP21 đã được thực hiện. (Ảnh: AP)

Những thách thức cho COP26

Trước thềm COP26, Liên hợp quốc đưa ra một báo cáo vào hôm 26/10, cho biết: Các nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó có nhiều nền kinh tế đã góp phần thúc đẩy sự ấm lên của Trái đất trong thế kỷ qua vẫn chưa giải quyết được đầy đủ vấn đề về khí thải nhà kính.

Báo cáo khoảng cách phát thải hàng năm của Liên hợp quốc nêu chi tiết rằng: Nhóm 20 - bao gồm 19 quốc gia riêng lẻ và Liên minh châu Âu - nói chung đã không đi đúng hướng để đáp ứng các cam kết cắt giảm khí thải mà họ đã đưa ra như một phần của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào năm 2015, hoặc các kế hoạch cập nhật mà một số nước đã đệ trình trước thềm COP26.

Liên hợp quốc cho biết các quốc gia phát triển chiếm khoảng 3/4 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Do đó, việc họ không đạt được các mục tiêu hiện có về chống biến đổi khí hậu là một lý do quan trọng khiến thế giới vẫn trên con đường hướng tới thảm họa khí hậu ngày càng trầm trọng hơn.

COP26 và thời điểm quyết định trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu - Ảnh 4.

Việc không đạt được mục tiêu về chống biến đổi khí hậu khiến thế giới vẫn đang trên con đường hướng tới thảm hoạ khí hậu trầm trọng hơn. (Ảnh: DW)

Ông Drew Shindell - Giáo sư khoa học trái đất của Đại học Duke (Anh) và đồng tác giả của báo cáo của Liên hợp quốc - cho biết trong một cuộc phỏng vấn: "Chúng ta đang đi quá xa so với hướng đi đã được vạch ra, điều đó thực sự gây nản lòng. Một số quốc gia đang hành động khẩn trương hơn, nhưng những nỗ lực đó sẽ chỉ dẫn đến sự "thay đổi tối thiểu" trong thập kỷ này nếu các nhà phát thải lớn không sớm thực hiện những thay đổi đáng kể."

Tuy nhiên, báo cáo hôm thứ 3 cho thấy rằng sự chuyển đổi sâu sắc khỏi nhiên liệu hóa thạch không diễn ra nhanh như các nhà khoa học mong muốn.

Một số thực thể quan trọng như Mỹ, Canada và Liên minh châu Âu, đã vạch ra các kế hoạch về khí hậu mới, mạnh mẽ hơn mà nếu được thực hiện sẽ dẫn đến việc cắt giảm mạnh lượng khí thải ở các quốc gia đó vào cuối thập kỷ này. Các nước phát thải lớn khác, chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ, vẫn chưa chính thức đệ trình các kế hoạch mới nhưng đã công bố các mục tiêu trong nước như phát thải khí nhà kính đạt đỉnh vào năm 2030 hoặc lắp đặt một lượng lớn các nhà máy năng lượng tái tạo. Báo cáo của Liên hợp quốc ước tính rằng các cam kết mới từ khoảng 120 quốc gia, tính đến cuối tháng 9 vừa qua, có thể dẫn đến việc cắt giảm 7,5% lượng phát thải khí nhà kính của thế giới vào năm 2030 nếu được thực hiện đầy đủ.

Nhưng thực tế, lượng khí thải sẽ cần phải giảm nhanh hơn khoảng bảy lần để đạt được mục tiêu cao cả nhất của thỏa thuận Paris - hạn chế sự nóng lên của Trái đất ở mức 1,5 độ C (2,7 độ F) trên mức tiền công nghiệp. Báo cáo cho thấy, để duy trì nhiệt độ nóng lên không quá 2 độ C, sẽ yêu cầu cắt giảm ô nhiễm khí nhà kính nhanh gấp bốn lần so với kế hoạch hiện tại.

Ngoài ra, báo cáo cũng nêu bật thực tế là trong khi hàng chục quốc gia đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhiều kế hoạch dài hạn trong số đó là "mơ hồ" và " không đầy đủ" khi các quốc gia không nêu chi tiết các hành động ngắn hạn để giúp họ đạt được những mục tiêu dài hạn đó. Nhiều trong số các quốc gia đang trì hoãn hành động.

Theo Liên hợp quốc, lượng khí thải toàn cầu, vốn đã giảm trong thời gian ngắn trong đại dịch COVID-19, dự kiến ​​sẽ tăng trở lại khi các nền kinh tế phục hồi. Và sự phục hồi kinh tế đó phần lớn là không thân thiện với môi trường. Báo cáo của Liên hợp quốc phát hiện ra rằng chỉ dưới 20% các khoản đầu tư phục hồi kinh tế của các nước trong những tháng tới là có khả năng giúp giảm phát thải khí nhà kính.

Một phân tích riêng của Liên hợp quốc được đưa ra hôm 25/10 về các cam kết cụ thể mà các nước đã đưa ra trước thềm COP26 - được gọi là Đóng góp Quốc gia tự quyết định - cũng cho thấy rằng các quốc gia đang hứa hẹn sẽ làm nhiều hơn để giảm lượng khí thải so với trước đây, nhưng những thay đổi thì không diễn ra đủ nhanh.

Hiện tại, trái đất đã nóng lên khoảng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và vẫn đang đi trên quỹ đạo ấm lên dự kiến là 2,7 độ C. Theo các nhà khoa học, chỉ vài năm trước đây, trái đất có ít thảm họa hơn. Nhưng trong những năm tới, con đường mà Trái đất đi rất có thể sẽ được lát bằng lũ lụt dữ dội và cháy rừng, mực nước biển dâng và các thảm họa khác do biến đối khí hậu gây ra.

Bà Patricia Espinosa, thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu hôm 25/10 cho biết rằng các quốc gia phải "tăng gấp đôi" nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon và rằng "việc chệch quá xa các mục tiêu sẽ dẫn đến một thế giới bất ổn và đau khổ, đặc biệt là đối với những người ít góp phần vào biến đổi khí hậu nhất".

Theo các nhà khoa học, lượng CO2 trong khí quyển đã tăng lên mức chưa từng thấy trong 2 triệu năm. Và mùa hè vừa qua, thế giới đã chứng kiến rất nhiều trận cháy rừng chết người, lũ lụt và những đợt nắng nóng. Tất cả đều nhắc nhở rằng biến đổi khí hậu không còn là vấn đề của tương lai.

Ở COP26, các nhà lãnh đạo sẽ phải đối mặt với áp lực phải đưa ra hành động thay vì chỉ hùng biện, và một trọng tâm sẽ là các bước cụ thể có thể giúp làm chậm quá trình nóng của Trái đất. "Việc này đòi hỏi ý chí, đòi hỏi phải có tham vọng. Nhưng nó sẽ không dễ dàng." – theo Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước