Cách nào duy trì Internet WiFi công cộng?

ICTnews-Thứ bảy, ngày 12/01/2013 07:00 GMT+7

Hình minh họa

 Kết hợp với chính phủ điện tử tạo thuận lợi cho người dân và nâng cao năng suất làm việc của cơ quan nhà nước, quảng cáo để "kích cầu" mua sắm của khách du lịch, cho phép DN bán thẻ WiFi trả trước... là những giải pháp mà các địa phương có thể áp dụng để tạo kinh phí duy trì hệ thống WiFi.

Các địa phương "đua" phủ hệ thống Internet WiFi miễn phí

Ngày 28/3/2012, hệ thống Internet WiFi miễn phí trên toàn thành phố Hội An đã chính thức khai trương và đưa vào hoạt động. Hệ thống Internet WiFi tại Hội An được đầu tư với tổng kinh phí 25 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa do Công ty VDC và Sở TT&TT Quảng Nam phối hợp thực hiện. Với 350 điểm phát sóng, hệ thống WiFi này phủ sóng tại tất cả các điểm trong đô thị cổ Hội An, giúp người dân và du khách có thể truy cập Internet miễn phí với tốc độ 256Kbp/s. Với sự kiện này, thành phố Hội An chính thức trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam và châu Á phủ sóng WiFi diện rộng.

Sau Hội An, tháng 4/2012, hệ thống Internet WiFi ở TP Hạ Long cũng đã được khai trương và dự kiến đến năm 2015 sẽ phủ sóng WiFi toàn bộ các thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Ninh.

Tháng 6/2012, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thống nhất chủ trương đầu tư ít nhất 20 tỷ đồng phủ sóng Internet WiFi toàn thành phố nhằm hoàn thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch và người dân. Toàn bộ khoản tiền này do VDC3 đầu tư và sẽ thu lại từ dịch vụ giá trị gia tăng đi kèm.

Mới đây, đầu tháng 11/2012, Sở TT&TT Đà Nẵng và Ban Quản lí Dự án Phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông tại TP Đà Nẵng đã chính thức triển khai xây dựng hệ thống kết nối Internet không dây công cộng. Dự án được chia thành 2 giai đoạn và sẽ được hoàn thành vào tháng 3/2013. Sau khi hoàn tất, hệ thống Internet WiFi sẽ phủ sóng tại 29 sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, xã, phường; các khu vực trung tâm thành phố; các trường đại học và ký túc xá sinh viên; các điểm công cộng, khu du lịch… Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1 triệu USD và sau khi hoàn thành giai đoạn I sẽ có dung lượng hệ thống đạt 20.000 người dùng; có khả năng phục vụ đồng thời 10.000 lượt truy cập.

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Bộ TT&TT ngày 24/12/2012, đại diện Sở TT&TT Quảng Nam cho biết, đối với việc triển khai WiFi miễn phí ở Hội An, dù đã kêu gọi được đầu tư nhưng khó khăn của Sở hiện nay là kinh phí duy trì hàng tháng. Vì thế, Sở TT&TT Quảng Nam đề nghị Bộ TT&TT xem xét hỗ trợ tỉnh 50% chi phí duy trì mạng WiFi hàng tháng.

Trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho rằng, do hệ thống WiFi ở Quảng Nam là chương trình cá biệt, Bộ không đủ điều kiện và cũng không có chức năng để "bao cấp" chi phí hàng tháng như vậy. Ngoài ra, chúng ta cũng không thể miễn phí WiFi để "kéo" du lịch vì còn nghèo và Sở cần làm việc, phối hợp với doanh nghiệp để duy trì mạng WiFi.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên ICTnews, ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, khi lắp đặt hệ thống Internet WiFi, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Đà Nẵng cũng đã có kế hoạch, phương án duy trì, vận hành mạng WiFi thông qua các nguồn thu từ mạng WiFi và vận dụng một số nguồn khác như kêu gọi tài trợ, hợp tác với các đơn vị liên quan. "Mục tiêu lắp đặt mạng WiFi công cộng của Đà Nẵng là để người dân tiếp cận với hệ thống thông tin, trong đó có các dịch vụ công", ông Sơn cho biết thêm.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực Internet, khả năng kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ là khó khả thi vì họ không nhìn thấy nhiều cái lợi, trừ những đơn vị làm mục đích chính trị hay truyền thông như VNPT và cũng chỉ lắp đặt hệ thống Internet WiFi ở một số địa phương nhất định. Bởi, nếu doanh nghiệp muốn kinh doanh từ đối tượng khách hàng vãng lai, khách du lịch thì họ đa phần đã sở hữu smartphone và sử dụng mạng 3G để truy cập Internet với giá rất thấp, chỉ khoảng 40.000 đồng/tháng. Hay nếu bắt người dùng mua thẻ thì họ sẽ thấy rất phiền phức... "Do đó, nếu các địa phương phát triển hệ thống Internet WiFi theo phong trào và chủ yếu để người dân truy cập đọc tin tức trên các cổng thông tin của cơ quan nhà nước thì sẽ không thể thành công được", vị chuyên gia này cho biết thêm.

Cách nào tạo nguồn kinh phí duy trì hệ thống WiFi miễn phí?

Ông Vũ Thế Bình, Tổng Giám đốc Công ty Netnam cho biết, nếu đặt vấn đề sử dụng hệ thống Internet WiFi như một phương tiện đơn thuần để truy cập vào mạng thì sẽ rất lãng phí. Để đảm bảo thành công, các địa phương nên kết hợp thêm các dịch vụ công trên nền chính phủ điện tử. Khi đó, người dân có thể đến các điểm công cộng có mạng WiFi miễn phí để tìm hiểu thông tin, đăng ký trước trên mạng thay vì phải làm trực tiếp bằng tay như hiện nay. "Phải phục vụ người dân tốt hơn, tăng được hiệu suất làm việc cho cơ quan nhà nước thì mới có lý do hợp lý để trích tiền từ ngân sách địa phương", ông Bình cho biết thêm.

Bên cạnh đó, nếu muốn sử dụng WiFi như một công cụ hỗ trợ phát triển ngành du lịch thì phải làm cho người dùng cảm thấy thỏa mãn, vui lòng hơn. Nói rõ hơn là các đơn vị kinh doanh WiFi phải biết tận dụng mạng lưới này để "đẩy" thông tin quảng cáo cửa hàng, đăng tin khuyến mãi... của các hộ, đơn vị kinh doanh trên địa bàn tới khách du lịch và qua đó các cửa hàng bán được nhiều sản phẩm hơn cho khách du lịch. Từ đó, các cửa hàng đóng thuế nhiều hơn và chính quyền dùng số tiền thuế đó để "nuôi" hệ thống Internet WiFi như kinh nghiệm của Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông. "Trong trường hợp này, chính quyền địa phương phải biết "điều hòa" lợi ích giữa các đơn vị tham gia hệ sinh thái WiFi địa phương", ông Bình nhấn mạnh.

Còn theo đại diện FPT Telecom, phát triển WiFi theo kiểu "ăn xổi" dựa trên ngân sách nhà nước sẽ không thực sự hiệu quả. Còn nếu kết hợp với doanh nghiệp, các địa phương có thể thực hiện theo một số cách như dành cho họ một số quyền lợi (như cấp đất, ưu đãi đầu tư...) hay để doanh nghiệp thu tiền từ người dân thông qua thẻ cào trả trước. Khi đó, việc kinh doanh WiFi sẽ không thể thực hiện dàn trải mà chỉ tại một số điểm tập trung đông người, những người đó phải lưu lại lâu, như khách sạn, bệnh viện, chung cư... và phải tính toán nhắm đến đúng đối tượng sẵn sàng chi trả. "Dù cách này không mới nhưng vấn đề chủ yếu hiện nay là các doanh nghiệp như VNPT thực hiện chưa đúng cách và chưa nhắm đúng đối tượng", vị đại diện này khẳng định.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể hợp tác với một đơn vị khác có cộng đồng người dùng để kinh doanh WiFi giống như dự án phát triển WiFi miễn phí cho các toà nhà, nhà hàng, quán cà phê mà FPT hợp tác với Nokia ngày trước.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước