"Xem xét lại nguyên tắc đồng thuận trong ASEAN không dễ dàng"

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 11/09/2016 12:51 GMT+7

VTV.vn - Đây chính là nhận định của Viện phó Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao khi nói về khả năng thực hiện việc xem xét lại cơ chế đồng thuận trong ASEAN.

Đầu tháng 9 vừa qua, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28 – 29 đã diễn ra tại Lào, gửi đi thông điệp về sự đoàn kết của ASEAN, qua đó đề cao được vai trò trung tâm của ASEAN để có thể giải quyết được các thách thức đối với khu vực. Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất tại hội nghị lần này chính là việc xem xét lại nguyên tắc đồng thuận trong ASEAN.

Trước câu hỏi liệu việc xem xét lại cơ chế đồng thuận trong ASEAN có phải là điều dễ thực hiện, ông Trần Việt Thái – Viện phó Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao đã thẳng thắn thừa nhận đây là một việc không dễ dàng.

"Không dễ thực hiện được điều này bởi nền tảng của ASEAN trong 49 năm qua được xây dựng dựa trên nhiều nguyên tắc, trong đó có nguyên tắc đồng thuận. ASEAN đặt ra nguyên tắc đồng thuận trong nhiều năm và xây dựng hình ảnh của mình là một tổ chức có sức mạnh tập thể dựa trên nguyên tắc này. Tuy nhiên, giờ đây, tình hình đã có nhiều thay đổi, có nhiều diễn biến mới" – ông nói thêm - "Phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong chuyến thăm tới Singapore vào cuối tháng 8 vừa qua thể hiện rõ nét hai điểm: Chưa thể thay đổi ngay nguyên tắc đồng thuận; Có thể tính toán một số nguyên tắc bổ sung ví dụ như xử lý hài hòa lợi ích quốc gia và nghĩa vụ quốc tế".

Từ lâu nay, sức mạnh của ASEAN được nhắc tới là sự thống nhất trong đa dạng. Dù những thay đổi trong tình hình mới khiến vấn đề cân nhắc ra quyết định theo nguyên tắc đồng thuận của ASEAN được đặt ra song những gì đang diễn ra cho thấy các nhà lãnh đạo vẫn gửi đi một thông điệp: Các thành viên ASEAN không thể đứng riêng lẻ và ASEAN cần thống nhất mới có thể giữ được hòa bình, ổn định nhằm tạo điều kiện cho sự hợp tác. 

Có như vậy, ASEAN mới giữ được vai trò trung tâm trong các mối liên kết khu vực – điều được các đối tác lớn trong khu vực thừa nhận, tôn trọng và lấy đó làm nền tảng cho việc giải quyết các thách thức chung ở châu Á – Thái Bình Dương. Điều này cũng đặc biệt cần thiết khi ASEAN đang chứng kiến sức ép cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước