Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 29. (Ảnh: VGP)
Tối 8/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã về đến Hà Nội, kết
thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 và các Hội
nghị cấp cao liên quan tại Lào. Kết quả của các Hội nghị này đã gửi một thông
điệp về sự đoàn kết của ASEAN, qua đó đề cao được vai trò trung tâm của ASEAN
để có thể giải quyết được các thách thức đối với khu vực.
Đây là Hội nghị cấp cao ASEAN lần đầu tiên kể từ khi Cộng
đồng ASEAN được thành lập và cũng là lần đầu tiên các nhà Lãnh đạo ASEAN tham
dự 2 Hội nghị cấp cao trong cùng một thời điểm sau khi gần một nửa các nước
thành viên có các nhà lãnh đạo mới lần đầu tiên tham dự Hội nghị cấp cao. Kết quả Hội nghị này đạt được đều khiến các nước thành viên hài lòng. Từ kết
quả triển khai đúng tiến độ các dòng hành động để thực hiện Cộng đồng ASEAN, các nhà lãnh đạo đã nhất trí về phương hướng của ASEAN trong thời gian tới để
triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025. Còn các đối tác của ASEAN đều tái khẳng định
vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề liên quan đến khu vực. Đồng thời,
nhất trí tăng thêm nguồn lực để hỗ trợ cho quá trình xây dựng Cộng đồng.
Trong lúc các nước nhìn vào ASEAN để xem Cộng đồng này sẽ
giải quyết các thách thức kể từ sau phán quyết của Tòa Trọng tài như thế nào,
thì những cuộc thảo luận của các nhà lãnh đạo ASEAN đã gửi đi một thông điệp,
các thành viên ASEAN không thể đứng riêng lẻ và ASEAN cần phải thống nhất thì
mới có thể giữ được hòa bình, ổn định để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế.
Quan điểm này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tại cuộc họp giữa 10
nhà Lãnh đạo ASEAN với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, đó là ASEAN và Trung
Quốc cần tăng cường sự tin cậy chính trị và lòng tin chiến lược. Thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam coi trọng
quan hệ với Trung Quốc và sẽ làm hết sức mình hợp tác cùng các nước ASEAN làm
cho quan hệ ASEAN - Trung Quốc khởi sắc, thực chất, hiệu quả hơn, tin cậy hơn.
Cùng quan điểm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiều nhà lãnh đạo ASEAN và các
bên đối tác cũng tái khẳng định mong muốn ASEAN và Trung Quốc cần sớm đạt được
Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Nhưng trước hết các bên cần kiềm chế, không
có hành động làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết các tranh chấp phù hợp với
luật pháp quốc tế đồng thời tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý.
Sau những diễn biến gần đây, sự đồng thuận về quan điểm của
các nước ASEAN về Biển Đông được coi như ánh sáng ở cuối đường hầm. Trong đó,
các nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và tiến
hành kiềm chế trong mọi hoạt động, trong đó có việc tôn tạo, bồi đắp, có thể
làm phức tạp thêm tình hình và gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Bên cạnh đó,
ASEAN và Trung Quốc đã chính thức thông qua việc lập Đường dây nóng và Tài liệu
Hướng dẫn vận hành Đường dây nóng giữa Bộ Ngoại giao các nước ASEAN và Trung
Quốc về các tình huống khẩn cấp trên biển, cùng với đạt được thỏa thuận về áp
dụng Bộ quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển ở Biển Đông. Việc này đã
được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự hoan nghênh tại Hội nghị giữa ASEAN
và Trung Quốc, cũng như tại Hội nghị cấp cao Đông Á, trong đó có cả Tổng thống
Mỹ, Thủ tướng Trung Quốc và lãnh đạo các nước lớn khác.
Tại các Hội nghị lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề
nghị ASEAN và các đối tác đẩy mạnh các biện pháp xây dựng lòng tin thực chất và
ngoại giao phòng ngừa trên biển. Nhưng trước hết cần phải tăng cường nỗ lực
nhằm đạt được tiến triển thực chất trong việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố của các
bên về cách ứng xử trên Biển Đông cũng như trong đàm phán thực chất để sớm
thông qua tài liệu cấu trúc hay còn gọi là đề cương của Bộ quy tắc ứng xử trên
Biển Đông và khung thời gian đạt được Bộ Quy tắc này. Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc đề nghị hai bên phấn đấu hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông ngay
trong năm tới, nhằm không dẫn đến căng thẳng, tránh được xung đột, tạo điều
kiện giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Trong 2 ngày rưỡi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự 35
hội nghị và tiếp xúc song phương, trong đó có 11 Hội nghị Cấp cao ASEAN. Là một
thành viên có trách nhiệm, những quan điểm của Việt Nam đã góp phần giữ
vững sự đoàn kết trong ASEAN, song cũng giữ được lợi ích đa dạng để vừa bảo vệ
được lợi ích chung là bảo đảm hòa bình và ổn định để phát triển kinh tế, vừa
giữ được vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề của khu
vực. Vì khi các thành viên ASEAN đánh mất sự đoàn kết thì tất cả đều không có
lợi.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!