Những thành tựu của Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế thông qua Diễn đàn APEC năm nay, đây là những vấn đề được các chuyên gia Nga và Việt Nam thảo luận tại cuộc Hội thảo bàn tròn diễn ra tại Moscow đầu tháng này. Hội thảo do Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga tổ chức.
Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung thảo luận những thành tựu của Việt Nam sau 30 năm đổi mới; đa dạng hóa hoạt động kinh tế đối ngoại; đa dạng hóa trong chính sách đối ngoại; tích cực hội nhập nền kinh tế khu vực và thế giới.
Theo các chuyên gia, kể từ năm 1986, Việt Nam nhanh chóng gia nhập cộng đồng thế giới với tư cách một quốc gia đang phát triển, nổi lên như một lãnh đạo chính trị tiềm năng ở khu vực Đông Nam Á.
"Chỉ trong một thời gian ngắn, lần đầu tiên APEC diễn ra tại Hà Nội vào năm 2006 và đến hôm nay, sau hơn 10 năm, là lần thứ hai. Điều này cho thấy Việt Nam nói chung và những thành tựu kinh tế của Việt Nam được đánh giá rất cao trong vai trò tích cực của đời sống quốc tế. Sau khi tham gia APEC, Việt Nam càng có thêm cơ hội củng cố ảnh hưởng và vai trò của mình tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương" - ông Vladimir MazyRin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga, cho biết.
Trên cương vị là nước chủ nhà của APEC năm nay, Việt Nam đưa ra nhiều sáng kiến liên quan đến tinh thần chung, nhằm tạo động lực mới để cùng chia sẻ lợi ích giữa các nền kinh tế thành viên. Từ chương trình nghị sự Hội nghị Thượng đỉnh APEC, các chuyên gia Việt Nam và Nga tích cực tìm kiếm, đánh giá hiệu quả hợp tác trong những lĩnh vực mà cả hai bên có cùng lợi ích để phối hợp hành động trong khuôn khổ APEC.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!