Trải qua chặng đường 28 năm hình thành và phát triển, APEC đã ngày càng khẳng định vị thế và vai trò đầu tàu khu vực trong tiến trình tăng trưởng, liên kết toàn cầu. Tuy nhiên, việc xu hướng bảo hộ thương mại lại có chiều hướng gia tăng đang đặt ra các thách thức lớn đối với tiến trình liên kết của APEC. Chính vì vậy, Việt Nam đã đề xuất chủ đề của năm APEC 2017 là "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung" nhằm tiếp thêm động lực cho APEC trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen hiện nay.
APEC 2017 diễn ra vào thời điểm vị thế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trên bản đồ kinh tế thế giới ngày càng được khẳng định. Đây đang là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, chiếm gần 60% GDP toàn cầu. Theo dự báo, 10 trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là các nền kinh tế trong khu vực.
Các nền kinh tế APEC cũng đang có lợi thế đi đầu trong việc nắm bắt nền kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - những mô hình được dự báo sẽ chi phối hoạt động kinh tế trong tương lai.
Thế nhưng, APEC 2017 diễn ra giữa lúc bức tranh kinh tế thế giới có nhiều biến động. Xu thế bảo hộ thương mại và chống toàn cầu hóa tăng lên, đặc biệt tại Mỹ và các quốc gia châu Âu. Hiện trong APEC, thu nhập của nền kinh tế lớn nhất gấp 40 lần thu nhập của nền kinh tế kém phát triển nhất. Khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, dịch bệnh và biến đổi khí hậu đều ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế cũng như mục tiêu phát triển bền vững.
Thế kỷ 21 được kỳ vọng là thế kỷ của châu Á - Thái Bình Dương. Điều này đòi hỏi APEC không ngừng điều chỉnh để thích ứng với tình hình mới. Chìa khóa là việc APEC cần tiếp tục phát huy thế mạnh là diễn đàn hợp tác tự nguyện, linh hoạt, là nơi khởi xướng ý tưởng, đổi mới sáng tạo, gắn tự do hóa thương mại đầu tư với tăng trưởng bền vững và bao trùm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!