Đầu tư xây dựng cao tốc Bắc – Nam: Cấp thiết dù vẫn còn băn khoăn khi triển khai

PV-Thứ sáu, ngày 24/11/2017 07:01 GMT+7

Các đại biểu đồng tình với chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam là cấp thiết, không thể trì hoãn (Ảnh minh họa: Dân trí)

VTV.vn - Chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020 đã được Quốc hội thông qua với sự tán thành của đa số đại biểu.

Đầu tư tuyến đường bộ cao tốc đáp ứng nhu cầu cấp bách phục vụ phát triển đất nước

Ngày 22/11 vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020.

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông được đánh giá có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế cho đất nước đi qua 32 tỉnh, thành phố, các khu kinh tế của cả nước và đặc biệt kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, miền Trung, miền Nam và Đồng bằng Sông Cửu Long. Việc sớm đầu tư tuyến đường bộ cao tốc sẽ đáp ứng nhu cầu cần thiết, cấp bách phục vụ phát triển đất nước.

Chủ trương đầu tư vào đường bộ cao tốc là cần thiết hơn so với với các phương thức vận tải khác như đường sắt tốc độ cao do tính chất đặc thù nên cần có thời gian để hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư theo quy định đối với dự án quan trọng quốc gia và đào tạo nguồn nhân lực quản lý, vận hành, đặc biệt là phát triển công nghiệp đường sắt.

Theo Nghị quyết, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020. Địa điểm từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh), từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên Huế), từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai), Cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long) với chiều dài 654km. Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 118.000 tỉ đồng, bao gồm: 55.000 tỷ đồng vốn nhà nước đầu tư tham gia thực hiện Dự án thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016- 2020 bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

Cũng theo Nghị quyết, thời gian chuẩn bị đầu tư để thực hiện Dự án từ năm 2017 và cơ bản hoàn thành năm 2021. Giai đoạn 2017- 2020 dự kiến đầu tư 654 km, chia thành các dự án thành phần vận hành độc lập, hình thức, quy mô đầu tư phù hợp với từng dự án thành phần. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư căn cứ quy mô của từng dự án thành phần theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án là 3.736 ha, trong đó đất trồng lúa là 1.037 ha. Thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn xe trên tất cả các dự án thành phần, riêng dự án Cam Lộ- La Sơn theo quy mô 4 làn xe theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Nghị quyết đã nhận được sự đồng tình của đa số đại biểu Quốc hội với 408/449 tổng số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 83,10%.

Đầu tư xây dựng cao tốc Bắc – Nam: Cấp thiết dù vẫn còn băn khoăn khi triển khai - Ảnh 1.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020 với tỷ lệ tán thành là 83,10%

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) bày tỏ sự đồng tình với chủ trương xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam: "Thực trạng hiện nay kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, là rào cản lớn, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và rất nhiều lĩnh vực khác là bức thiết và rất lớn, trong khi nguồn lực khó khăn, nợ công, bội chi ngân sách, nợ xấu tuy đã giảm xong vẫn tiềm ẩn thách thức lớn. Ai cũng biết rằng giao thông là xương sống, là huyết mạch của nền kinh tế. Vì vậy tôi đồng tình ủng hộ Chính phủ lựa chọn thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam là cấp thiết, không thể trì hoãn".

"Đường bộ cao tốc phía Đông kết nối Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khác. Do đó tôi mong muốn dự án quan trọng này sẽ thành công, là minh chứng cho sự quyết đoán, bản lĩnh, trí tuệ, hợp lòng dân của Quốc hội" - đại biểu Đinh Duy Vượt nhấn mạnh.

Đầu tư xây dựng cao tốc Bắc – Nam: Cấp thiết dù vẫn còn băn khoăn khi triển khai - Ảnh 2.

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai)

Nguyễn Ngọc Phương - Quảng Bình cũng bày tỏ sự ủng hộ: "Chủ trương đầu tư với tinh thần nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng với 3 mục tiêu đột phá thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Chủ trương này cũng xuất phát từ Nghị quyết số 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI với mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành 2000 km đường cao tốc Bắc – Nam. Thứ hai, hệ thống giao thông thể hiện đẳng cấp của một quốc gia. Qua xem xét phóng sự chúng ta thấy các nước có những tiến bộ vượt bậc đẳng cấp so với các nước ở Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan thì Việt Nam còn khiêm tốn hơn rất nhiều. Hơn nữa muốn phát triển kinh tế phải có cơ sở hạ tầng hiện đại".

Những băn khoan về nguồn vốn

Phương thức huy động vốn cho Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020 là theo hình thức đối tác công tư PPP, huy động vốn doanh nghiệp đầu tư. Đây là hình thức giảm áp lực nguồn vốn nhà nước và chia sẻ rủi ro trong đầu tư. Dù vậy, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ trình Quốc hội biện pháp khắc phục những sai sót, hạn chế khi lựa chọn hình thức hợp đồng BOT khi triển khai dự án.

Đầu tư xây dựng cao tốc Bắc – Nam: Cấp thiết dù vẫn còn băn khoăn khi triển khai - Ảnh 3.

Nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập của hình thức đầu tư đối tác công tư theo hình thức hợp đồng BOT đối với 8 dự án thành phần

Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho biết: "Các biện pháp đó cần phải đảm bảo rõ tiêu chí để lựa chọn dự án BOT, rõ tiêu chí đánh giá năng lực và lựa chọn nhà đầu tư, quy định chặt chẽ để đảm bảo nhà đầu tư thực góp vốn. Đồng thời, BOT chỉ áp dụng đối với tuyến đường mới nhằm đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân, đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu, quy định về tham vấn và lấy ý kiến người dân, quy định vị trí đặt trạm, công nghệ thu phí để đảm bảo chỉ phải nộp tiền khi sử dụng đường và đúng số km sử dụng".

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng đặt vấn đề: "Trong điều kiện nguồn vốn của chúng ta có hạn nhưng nhu cầu đầu tư đường cao tốc thì rất lớn. Vậy, chúng ta sẽ quyết định đầu tư ở đâu trước, ở đâu sau, đầu tư bằng hình thức nào, quản lý sử dụng nguồn vốn ra sao để tránh thất thoát, lãng phí và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Đây là yêu cầu, là đòi hỏi thiết thực, chính đáng của đại biểu Quốc hội, của mỗi một người dân trong điều kiện nước ta còn nghèo, phải đi vay nợ nhiều nguồn vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".

Ngoài ra, các đại biểu cũng lo ngại về khả năng giải ngân vốn các dự án lớn như đường bộ cao tốc Bắc – Nam hay sân bay Long Thành. Bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cho biết: "Vốn chúng ta có thể huy động được nhưng chúng ta phải có cơ chế nào đó để huy động nguồn lực của cả xã hội và đề ra những giải pháp tốt hơn. Nếu như những dự án BT thì chúng ta sẽ chậm giải ngân, không đủ vốn và đẩy nguồn vốn dự án cao lên".

"Các đại biểu cũng lo lắng về việc các dự án lớn có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước phải có các phương án huy động vốn chặt chẽ hơn để sử dụng tốt hơn. Có thể bán luôn vé mua đường để người dân góp phần vào đó giống như những doanh nghiệp bán chung cư cho người sử dụng để giảm chi phí mà Bộ Giao thông tính toán là 2.500 km mà 1,3 triệu thì tôi thấy phí này khá đắt" - Đại biểu Lê Công Nhường nêu ý kiến.

Đầu tư xây dựng cao tốc Bắc – Nam: Cấp thiết dù vẫn còn băn khoăn khi triển khai - Ảnh 4.

Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định)

Trước ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo giải trình về hình thức đầu tư như sau: Để khắc phục những hạn chế, bất cập của hình thức đầu tư đối tác công tư theo hình thức hợp đồng BOT trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã xây dựng các cơ chế triển khai thực hiện dự án như: lựa chọn dự án đầu tư, thứ tự ưu tiên đầu tư một cách khách quan, khoa học trên cơ sở nhu cầu vận tải; đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư; Tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu 15-20% tổng vốn đầu tư dự án... Ngoài ra, đối với các dự án thành phần đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) dự thảo Nghị quyết đã yêu cầu Chính phủ khắc phục những hạn chế, bất cập đã nêu.

Bên cạnh đó, trong Nghị quyết, Quốc hội đã giao Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật và bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong tổ chức thực hiện và quản lý Dự án; bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Đối với những dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công, nghiên cứu, áp dụng phương án thu phí hợp lý để thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước. Đối với các dự án thành phần đầu tư công theo hình thức đối tác công tư, sau khi nhà đầu tư chuyển giao lại công trình, nghiên cứu tiếp tục thu phí để hoàn trả phần vốn đầu tư của Nhà nước.

Sau 30 năm đổi mới, đến thời điểm này, nước ta mới bắt đầu hiện thực hóa chủ trương xây dựng đường cao tốc nối liền 2 đầu đất nước, từng bước hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước. Đây là dự án có phần cấp bách về thời gian và nguồn lực. Do đó, với nguồn kinh phí có hạn, các bộ, ngành trung ương các địa phương sẽ phải tính toán kỹ càng, khắc phục các khiếm khuyết để làm sao thực hiện dự án này một cách tốt nhất, qua đó tạo nên động lực lớn cho phát triển kinh tế - xã hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước