Bộ Tài nguyên Môi trường đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, trong đó, nổi bật là câu chuyện làm thế nào kiểm soát hiệu quả việc bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công nghiệp, ngăn chặn và xử lý triệt để việc xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Vụ ô nhiễm nghiêm trọng do Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra với môi trường các tỉnh ven biển miền Trung là bài học lớn đối với các cơ quan quản lý.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng: "Qua vụ việc Formosa, có thể thấy báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án mang tính chất quá chung chung", trong khi chưa nói tới việc giám sát doanh nghiệp thực hiện những cam kết của họ với xử lý ô nhiễm môi trường còn nhiều bất cập.
Trao đổi trong chương trình Vấn đề hôm nay của Đài THVN, Tiến sĩ Phạm Quang Tú - chuyên gia nghiên cứu về tác động môi trường và xã hội - đã nêu lên quan điểm cá nhân về tình trạng lỏng lẻo trong việc thực thi tác động môi trường.
"Việt Nam là một nước tiếp cận khá sớm về vấn đề bảo vệ môi trường và đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên quá trình thực thi, cũng như cơ chế pháp lý hiện nay đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường vẫn còn những lỗ hổng" - Tiến sĩ Phạm Quang Tú chia sẻ - "Trong quá trình đánh giá, thực thi tác động môi trường được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 là lập báo cáo đánh giá; giai đoạn 2 là thẩm định; giai đoạn 3 là thực thi, giám sát. Tôi cho rằng hiện nay, tất cả 3 giai đoạn này đều có những bất cập, lỗ hổng rất lớn".
Theo ông Phạm Quang Tú, chủ đầu tư thường khoán việc cho các đơn vị tư vấn thiết kế xây dựng, trong khi đội ngũ này năng lực còn nhiều hạn chế. Thêm vào đó, việc cơ quan nhà nước kiểm tra, giám sát cấp chứng chỉ hành nghề đối với các đơn vị tư vấn thiết kế còn lỏng lẻo nên từ trước tới nay vẫn tồn tại tình trạng báo cáo đánh giá tác động môi trường được copy từ dự án này sang dự án khác.
Bên cạnh đó, ông Phạm Quang Tú cũng khẳng định Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển kinh tế mới nhưng không được đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế ngắn hạn. Và yêu cầu bảo vệ môi trường không chỉ đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của đất nước mà đó còn là yêu cầu, thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp nào không đảm bảo tuân thủ về pháp luật môi trường chắc chắn sẽ bị loại bỏ trong tương lai.
Việt Nam là quốc gia đang phát triển. Làn sóng đầu tư và chuyển giao các công nghệ lạc hậu trong các lĩnh vực nhiệt điện, gang thép, dệt may đang có xu hướng gia tăng. Thảm đỏ mà các địa phương trải ra mời gọi các nhà đầu tư là cần thiết nhưng cần chọn các nhà đầu tư đáng tin cậy, thay vì những nhà đầu tư đến Việt Nam vì muốn nhận ưu đãi hay mang tới những công nghệ bẩn, gây độc hại..
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!