Thời gian qua, VTV nhận được phản ánh của người dân về những rủi ro khi vay tiền tại các tổ chức tín dụng bên ngoài (hay còn gọi là vay tín dụng xã hội đen). Để vay được tiền, người vay phải ký vào các giấy tờ ủy quyền định đoạt, hay sang tên ngôi nhà của mình cho người vay được xem như tài sản cầm cố.
Sau khi trả xong, chủ tín dụng sẽ làm thủ tục trả lại nhà cho họ. Còn nếu không trả được, nhà sẽ thuộc quyền sở hữu của tổ chức cho vay. Thực tế không ít người đã mất nhà khi tham gia vào giao dịch kiểu này.
Bà Nhung cho biết, vào năm 2012, do làm ăn thua lỗ, bà đã tìm đến tín dụng bên ngoài, hay còn gọi là tín dụng đen vay nóng 800 triệu đồng với lãi suất 9%/tháng, gấp hơn 10 lần lãi suất ngân hàng. Để đảm bảo cho khoản vay, bà đã mượn sổ đỏ của gia đình em trai bà, là ông Toàn để thế chấp. Theo luật bất thành văn ở đây, ông Toàn em bà là chủ ngôi nhà phải ký vào một loat giấy tờ trong đó có bản công chứng bán nhà, với lời hứa, sau khi trả hết tiền vay sẽ ký giấy trả lại nhà cho ông.
Thế nhưng đến năm 2015, gia đình ông Toàn đột nhiên phát hiện ngôi nhà đã bị bán cho người khác. Ngay sau đó, ông đã gửi đơn lên các cơ quan chức năng đề nghị ngăn chặn hoạt động chuyển nhượng này nhưng do bên tín dụng đen cầm hết giấy tờ vay nên không đủ chứng cứ để chứng minh hành vi lừa đảo chiếm đoạt nhà.
Đại diện chi nhánh trung tâm văn phòng đất đai huyện Đông Anh cho cho biết, do người bị hại đã đồng ý và ký vào các văn bản chuyển nhượng nhà, lại không nắm giữ những tài liệu liên quan chứng minh đây chỉ là thỏa thuận để thế chấp vay nóng, nên không có căn cứ để xử lý. Đó là chưa kể nhưng quy định trong việc xử lý tranh chấp trong tình huống này chưa rõ nên các đối tượng cho vay luôn gây sức ép, cho rằng đây là hoạt động mua bán thông thường và buộc cơ quan quản lý phải sang tên, nếu không sẽ kiện và bắt bồi thường do chậm trễ.
Theo tư vấn của các luật sư, để tránh bị lừa, người mua nhà cần phải đọc kỹ nội dung các văn bản trước khi ký . Nếu là hợp đồng mua bán nhà , hoặc hợp đồng ủy quyền định đoạt mua bán nhà cho người khác coi như đã trao toàn quyền sở hữu ngôi nhà cho người khác. Bên cạnh đó, nếu vay mượn, người vay cũng phải nắm giữ giấy tờ, việc đưa sổ đỏ thế chấp cũng cần có cam kết. Đây sẽ là bằng chứng để các cơ quan chức năng xử lý vụ việc khi có tranh chấp.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!