Nguy cơ bùng phát dịch Sởi tại các tỉnh miền núi phía Bắc

Quý Thông-Thứ sáu, ngày 14/02/2014 20:00 GMT+7

Điều trị bệnh nhi mắc sởi. (Ảnh: TTXVN)

Với điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện nay, nguy cơ bùng phát dịch sởi trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc rất cao.

Phòng chống dịch sởi gặp nhiều khó khăn

Tại tỉnh Yên Bái, công tác phòng chống dịch sởi đang gặp rất nhiều khó khăn. Tính từ đầu năm 2014 đến nay, Bệnh viện đa khoa huyện Văn Chấn, Yên Bái đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 270 trường hợp dương tính với virus sởi.

Trong đó, hầu hết số bệnh nhân đang điều trị tại đây đều là người dân tộc Mông tuổi từ 1-15, tập trung tại xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, nơi phát hiện ca mắc bệnh đầu tiên của tỉnh. Đa phần bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng bị biến chứng, do người nhà thiếu hiểu biết về loại bệnh này.

Tại các huyện vùng cao, với đặc điểm 90% các cháu học sinh đều đi học tập trung tại trường dân tộc nội trú, cuối tuần mới về nhà nên khi xảy ra dịch nguy cơ phát tán và lây nhiễm về gia đình rất nhanh, cộng với vào đúng thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán nên dịch bệnh càng khó kiểm soát hơn.

Bác sỹ Nguyễn Văn Tuyến, Phó Giám đốc Sở Y Tế Yên Bái cho biết: “Khi xảy ra tình trạng này, ngay mùng Một Tết, chúng tôi đã triển khai để tiêm phòng cho hơn 3.000 lượt trẻ em tại các các xã trọng điểm. Đồng thời, cho người ứng trực tại các vị trí trọng điểm, ngay cả các điểm vùng cao”.

Tỷ lệ tiêm chủng thấp

Theo khuyến cáo của Bộ y tế, cách tốt nhất để phòng bệnh sởi là tiêm phòng vaccine. Tuy nhiên, không phải cứ tiêm vaccine là không bị nhiễm bệnh. Bởi, sau khi tiêm từ 15-20 ngày vaccine mới có tác dụng. Đây là nguyên nhân vì sao mặc dù nhiều người đã được tiêm phòng nhưng những trường hợp mắc mới vẫn không ngừng ra tăng.

Tính riêng tại địa bàn 3 huyện: Văn Chấn, Mù Căng Chải, Trạm Tấu của tỉnh Yên Bái, tính từ thời điểm cuối năm 2013 đến nay đã có hơn 700 ca mắc sởi. Điều đáng lo ngại, trước thời điểm tháng 11/2013, có tới 80% số bệnh nhân chưa được tiêm phòng vaccine sởi.

Bà Ngô Thị Chinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: “Tỷ lệ tiêm chủng quá thấp. Nguyên nhân do nhận thức người dân chưa cao, địa bàn xa xôi, năng lực cán bộ y tế cơ sở còn thấp kém, điều kiện về cơ sở vật chất còn hạn chế, là lý do để xảy ra dịch”.

Con người chỉ có thể miễn dịch bền vững suốt đời với bệnh Sởi khi tiêm đủ 2 mũi. Vì vậy, những giải pháp tức thời mà ngành Y tế tỉnh Yên Bái đang làm cũng không thể chắc chắn chấm dứt được bệnh sởi.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh sởi hiện đã xuất hiện ở 24 tỉnh, thành. Trong đó, tập trung chủ yếu tại Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, và TP.HCM. Với thời tiết khắc nghiệt như thế này dự kiến số lượng bệnh nhân sẽ tiếp tục gia tăng nếu người dân còn chủ quan với loại virus này.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước