Sớm hoàn thiện đề án chống buôn lậu thuốc lá

Theo TTXVN-Thứ hai, ngày 26/08/2013 14:44 GMT+7

Thuốc lá lậu "né trạm" rồi nhanh chóng được tập kết trên đường 9 tại Quảng Trị để chuyển về xuôi. (Ảnh: TTXVN)

 Chống buôn lậu thuốc lá được xem là một trong các công tác quan trọng của lực lượng quản lý thị trường trong năm 2013.

Do vậy, cùng với các biện pháp ngăn chặn buôn lậu thuốc lá, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng ban chỉ đạo 127 TW Vũ Huy Hoàng yêu cầu các địa phương cần có sự vận động tuyên truyền, ký cam kết với nhân dân và các cơ sở kinh doanh không sử dụng, buôn bán thuốc lá nhập lậu. Bộ trưởng yêu cầu Cục Quản lý thị trường nhanh chóng hoàn thành Đề án Phòng chống buôn lậu thuốc lá để trình phê duyệt và đưa vào triển khai.

Thời gian qua, sở dĩ tình trạng buôn, bán thuốc lá nhập lậu luôn “nóng” bởi hoạt động này mang lại siêu lợi nhuận. Nếu như các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong nước chỉ thu được lợi nhuận khoảng 3% thì thuốc lá nhập lậu mang lại lợi nhuận lên tới 300%. Hơn nữa, thuốc lá là mặt hàng đặc biệt, không khuyến khích nhập khẩu và phải chịu mức thuế rất cao tới 50%. Do đó, thuốc lá nhập lậu, trốn thuế không chỉ cạnh tranh với sản xuất trong nước mà còn khiến Nhà nước thất thu tới 40.000 tỷ đồng tiền thuế mỗi năm.

Chỉ riêng sáu tháng đầu năm nay, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã phát hiện và tịch thu trên 553.000 gói thuốc lá nhập lậu, tăng tới hơn 55% so với năm 2012. Gần đây nhất là tại tỉnh Cần Thơ, lực lượng chức năng cũng xử lý hai vụ thuốc lá nhập lậu với số lượng 10.000 gói.

Đại diện cho phía doanh nghiệp thuốc lá trong nước, ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam cho biết công tác chống buôn lậu thuốc lá mới chỉ tập trung ngăn chặn ở đầu vào, khâu kiểm soát tiêu thụ trong nước còn khá lơi lỏng khiến việc buôn, bán thuốc lá nhập lậu diễn ra rất công khai và thách thức dư luận. Dạo qua một vòng tại hầu hết các cửa hàng bán thuốc lẻ bày bán công khai thuốc Jet và Hero là hai loại thuốc lá không nhập khẩu một cách hợp pháp. Miền Tây Nam Bộ, Quảng Trị, Lạng Sơn là những địa bàn xảy ra tình trạng nhập lậu thuốc lá nhưng các tỉnh biên giới Tây Nam Bộ mới thực sự là điểm “nóng” nhất của các hoạt động này. Trung bình mỗi năm có tới 500 triệu gói thuốc lá được nhập lậu từ Campuchia vào Việt Nam.

Là người đã có nhiều năm tham gia vào cuộc chiến chống nhập lậu thuốc lá, ông Trương Quang Hoài Nam, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường chia sẻ buôn lậu thuốc lá hiện nay mang tính tội phạm có tổ chức, có đường dây, ổ nhóm lớn, thậm chí có sự chỉ huy điều hành từ bên kia biên giới và sẵn sàng sử dụng vũ khí chống trả lại lực lượng chức năng, trong khi lực lượng Quản lý thị trường mỏng, trang thiết bị thiếu thốn.

Bên cạnh đó, cái khó là nhiều chính sách tạo điều kiện cho buôn lậu thuốc lá như lộ trình giảm tar và nicotine (các chất độc hại gây ảnh hưởng tới sức khỏe) trong sản phẩm thuốc lá sản xuất trong nước… Jet và Hero không có trong lộ trình giảm tar và nicotine mà người hút thuốc lá rất cần nicotine, nên khi thuốc lá trong nước giảm tar và nicotine thì người nghiện nặng chắc chắn sẽ chọn loại thuốc này để hút. Mặt khác, bao bì của các loại thuốc nhập lậu này đẹp, vì vậy khả năng các loại thuốc này sẽ lấn áp hàng trong nước sản xuất.

Để xử lý triệt để vấn đề thuốc lá nhập lậu, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã kiến nghị với Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt lộ trình giảm tar, nicotine cho phù hợp điều kiện thực tế để quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thuốc lá điếu khi ban hành vừa phục vụ tốt cho công tác quản lý của Nhà nước và quy định quốc tế, vừa mang tính khả thi, phù hợp với tập quán và xu hướng tiêu dùng, đảm bảo khả năng cạnh tranh của thuốc lá trong nước với thuốc lá nhập lậu. Nhanh chóng phê duyệt và triển khai quyết liệt Đề án Phòng chống buôn lậu thuốc lá để tăng cường công tác quản lý, kiểm tra thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bảo vệ sản xuất trong nước và tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.

Trong điều kiện kinh tế hội nhập, việc mở rộng quan hệ giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới là một yếu tố khách quan. Các cửa khẩu, cảng biển quốc tế, khu kinh tế cửa khẩu được nâng cấp và ngày càng sầm uất, nhiều cửa khẩu mới được mở để đáp ứng nhu cầu quan hệ thương mại biên giới...

Do đó, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Trưởng ban chỉ đạo 127 TW yêu cầu chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng ở các tỉnh biên giới có kế hoạch phối hợp với các nước bạn nhằm phối hợp có hiệu quả hơn trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ở khu vực biên giới. Mặt khác cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đến các hộ kinh doanh và người tiêu dùng.

Ngoài ra, các lực lượng chức năng phải tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các chế tài xử lý vi phạm để răn đe đối với các hành vi tội phạm nói chung và tội phạm buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nói riêng cho phù hợp để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước