Trường học bất đắc dĩ trở thành Nhà văn hóa

Tuấn Dương-Thứ hai, ngày 18/08/2014 06:00 GMT+7

Điểm trường thôn Thanh Yên, xã Yên Lễ, Như Xuân, Thanh Hóa được xây dựng nhờ một dự án của Canada với tổng vốn gần 60 triệu đồng chỉ hoạt động được gần 4 năm thì buộc phải bỏ vì không có học sinh đến học và bây giờ nó bất đắc dĩ trở thành Nhà văn hóa.

Như Xuân là huyện nằm trong diện 62 huyện nghèo nhất cả nước (theo chương trình 30a), những năm qua, đây là địa phương được các chương trình, dự án trong và ngoài nước tài trợ với mục tiêu nâng cao đời sống. Tuy nhiên do công tác lập quy hoạch, cộng với tầm nhìn còn nhiều hạn chế đã dẫn đến tình trạng lãng phí.

Cách đây khoảng chục năm, điểm trường thôn Thanh Yên, xã Yên Lễ, Như Xuân, Thanh Hóa được xây dựng nhờ một dự án của Canada với tổng vốn đầu tư gần 60 triệu đồng với mục tiêu tạo điều kiện cho con em đồng bào được đến trường. Nhưng chỉ hoạt động được gần 4 năm thì điểm trường này buộc phải bỏ không vì không có học sinh đến học và bây giờ nó bất đắc dĩ trở thành Nhà văn hóa.

Anh Lê Đức Định, Trưởng thôn Thanh Yên, xã Yên Lễ, Như Xuân, Thanh Hóa cho biết: “Nhà văn hóa này trước đây đông học sinh lắm, nhưng kể từ khi có điểm trường chính ở xã, người ta đưa con lên đó học nên ở đây bỏ không, mấy tháng nay được bàn giao cho thôn quản lý”.

Không may mắn như lớp mầm non ở thôn Thanh Yên khi được chuyển đổi thành Nhà văn hóa, điểm trường mầm non thôn Làng Cọc đến nay gần như không thể hoạt động vào bất kỳ mục đích gì vì đã quá xuống cấp.

Anh Vi Hồng Tiên, Trưởng thôn Làng Cọc, xã Thanh Lâm, Như Xuân, Thanh Hóa nói: “Trường mầm non này xuống cấp quá rồi, chẳng sử dụng vào mục đích gì được. Trần kèo được làm bằng gỗ bây giờ mục nát lắm…”.

Theo thống kê của UBND huyện Như Xuân, hiện nay toàn huyện có 40 điểm trường đang không hoạt động với 59 phòng học do không có học sinh, trong đó đa phần là điểm lẻ trường mầm non, ngoài ra còn có một số điểm lẻ trường Tiểu học và THCS. Nguồn vốn để xây dựng các công trình này chủ yếu từ các dự án của nước ngoài tài trợ, cộng với một số nguồn vốn từ chương trình 135 và chương trình 159 (xóa lớp học tranh tre và kiên cố hóa trường lớp học).

Lý giải về thực trạng này, địa phương thẳng thắn nhìn nhận, ngoài một số nguyên nhân khách quan như điều kiện kinh tế dần được cải thiện, giao thông đi lại thuận lợi khiến bà con mong muốn đưa con em mình lên trung tâm xã để học tập, thì tình trạng lãng phí như trên có một phần xuất phát từ yếu tố chủ quan của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, Thanh Hóa thẳng thắn: “Khuyết điểm của địa phương là tầm nhìn dài hạn còn hạn chế khiến cho tình trạng lãng phí xảy ra. Chúng tôi đã chỉ đạo Phòng Giáo dục có nhiệm vụ bàn giao các điểm trường này cho các xã quản lý, mục tiêu là tạo nơi vui chơi, sinh hoạt cộng đồng”.

Năm học mới đã cận kề, trong khi nhiều trường trên cả nước nói chung, thậm chí là ngay trong tỉnh Thanh Hóa nói riêng vẫn còn đang gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thì câu chuyện tại huyện Như Xuân đã cho thấy việc thu hút nguồn vốn từ các chương trình an sinh xã hội cũng cần phải tính toán đến tầm nhìn dài hạn.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước