Vì sao ngư dân câu mực “giải nghệ”?

Thanh Nga-Thứ ba, ngày 09/04/2013 11:40 GMT+7

Đang có nhiều ngư dân làm nghề câu mực “giải nghệ". (Ảnh minh họa)

 Nghề câu mực khơi từ lâu được xem như một nghề ăn nên làm ra của ngư dân. Thế nhưng, hiện nay tại một số địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi hàng loạt đội tàu câu mực khơi đã “giải nghệ”.

Ông Trần Công Kỳ, một ngư dân Quảng Nam, chủ tàu QNa 91345 cho biết, cách đây 2 năm mỗi khi xuất bờ, tàu câu mực của ông cần đến 40 lao động cho một chuyến đi, mỗi chuyến kéo dài khoảng 3 tháng và mỗi bạn tàu thường được ông trả công với mức từ 40 - 50 triệu đồng cho mỗi chuyến biển.

Nhưng đó là chuyện khi giá mực trên thị trường còn được thương lái nước ngoài thu mua với giá cao. Còn bây giờ thương lái ngừng mua, giá mực khơi rớt thê thảm, mỗi chuyến biển về không đủ trang trải chi phí, vì vậy ông Kỳ đã chuyển sang nghề lưới vây.

Ông Kỳ nói: “Trước đây giá một kg mực từ 120.000 đến 150.000 đồng, nhưng vừa rồi giá chỉ có 65.000 đồng/kg. Thuyền chúng tôi thường đi 3 tháng mới về 1 lần, giá mực thấp quá nên tôi không gọi được lao động vì vậy đã chuyển nghề”.

“Số tàu câu mực của Quảng Nam thời gian vừa qua phát triển tương đối nhanh và ồ ạt nên lượng lao động không đáp ứng được, vì vậy thiếu lao động là một trong những nguyên nhân các tàu câu mực này chuyển nghề”, ông Trần Quốc Việt, Trưởng phòng Quản lý tàu cá, Chi cục Khai thác&Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Quảng Nam cũng cho biết.

Trước đây mực đánh bắt phơi khô trên biển khi vào đất liền được thương lái thu mua dưới 3 loại là mực đẹp, mực trung bình và mực tạp với giá cao. Cùng thời điểm này các năm trước, giá mực có khi đã chạm ngưỡng 200 ngàn đồng/kg. Trên bến, dưới thuyền, người tranh mua, kẻ tranh bán tấp nập. Nhưng hiện nay, nếu có đội tàu nào về đều phải tự tìm thương lái, đồng thời phải chịu cảnh ép giá. Nản lòng trước nghề một thời đem lại sự giàu có cho ngư dân, nhiều người trong số họ đã chuyển nghề nhưng vẫn rất tiếc nuối. Họ vẫn rất cần một sự can thiệp nào đó để giữ được đội tàu câu mực như trước.

Việc chuyển nghề, với ngư dân không chỉ đơn giản là không làm việc này thì làm việc khác, mà chuyển nghề với họ là cả một bài toán kinh tế. Họ phải sửa lại tàu, mua ngư lưới cụ, sắm sửa các trang bị, vật dụng cho phù hợp với nghề mới với số tiền tương đối lớn.

“Chúng tôi sống bằng nghề câu mực là chính, nhưng mà hiện nay mọi người đang có xu hướng chuyển nghề lưới rút. Vì vậy, mọi người cũng nhờ sự can thiệp của nhà nước để làm cho đội tàu câu mực duy trì được lâu dài", ông Phạm Việt, ngư dân Quảng Nam, chia sẻ.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước