Về thủ đô làm truyền hình tiếng dân tộc

Ngọc Mai-Thứ năm, ngày 10/02/2022 14:38 GMT+7

Phóng viên Cứ Thị Dung (trái).

VTV.vn- Từ khắp nơi, các BTV, biên dịch viên đã hội tụ về thủ đô trong những chuyến công tác biệt phái để biên dịch, biên tập và dẫn chương trình bằng chính tiếng của dân tộc mình.

Suốt 20 năm qua, ở trụ sở VTV tại 43 Nguyễn Chí Thanh luôn hiện diện các gương mặt dẫn chương trình truyền hình tiếng dân tộc. Từ các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên nắng gió hay miền Tây xa xôi, nhiều biên tập viên cùng hội tụ về thủ đô trong những chuyến công tác biệt phái để biên dịch, biên tập và dẫn chương trình bằng chính tiếng của dân tộc mình, phục vụ đồng bào mình trên sóng VTV5.

Gạt nỗi nhớ nhà vì trách nhiệm lớn

Tháng 1/2017, phóng viên Cứ Thị Dung (hiện đang là Phó Trưởng phòng Phát thanh truyền hình tiếng Dân tộc của Đài PT-TH Lào Cai) nhận được quyết định cơ quan cử đi công tác biệt phái làm phát thanh viên tiếng Mông cho Ban truyền hình Tiếng Dân tộc, Đài Truyền hình Việt Nam với thời gian 1 năm. Cứ Thị Dung là một trong những MC - BTV được cử đi biệt phái tại thủ đô đợt thứ 2 của Đài PT-TH Lào Cai. Công việc hàng ngày là đến phòng làm việc nhận văn bản để dịch sang tiếng dân tộc Mông, sau đó lên phòng Kỹ thuật để đọc lồng tiếng vào băng, hoàn thiện mang về nộp cho phòng Biên tập đưa vào lịch phát sóng.

Nhớ lại quãng thời gian đó chị Dung chia sẻ: "Lần đầu tiên đi làm xa nhà, con còn nhỏ nên nhớ nhà vô cùng. Những tuần đầu, tháng đầu trôi đi rất chậm, vì ngày nào tôi cũng nhớ nhà, ngày nào cũng khóc vì nhớ con. Để bớt nhớ nhà, nhớ con, mấy chị em biên dịch chỉ biết vùi đầu vào công việc. Sáng đi làm từ 7h, 21h mới xong việc về đến nhà, đi ngủ. Ngày đó điện thoại chỉ nghe gọi chứ không xem được phim nên càng buồn. Rất may cô chú, anh chị em trong Ban rất thương, rất hiểu hoàn cảnh của chị em đi làm xa nhà nên thường xuên mời nhóm chị em biên dịch đến nhà nấu cơm ăn, rất tình cảm. Tôi cũng được tạo điều kiện đi công tác nhiều tỉnh, có lẽ vì thế mà khi trở về địa phương tôi đã có nhiều kinh nghiệm trong công việc và phát triển bản thân".

Về thủ đô làm truyền hình tiếng dân tộc - Ảnh 1.

Phóng viên Cứ Thị Dung đang phỏng vấn đồng bào dân tộc Mông.

Chị Nay H’Ne là một trong những biên dịch viên dân tộc thiểu số đầu tiên của Đài PT-TH Gia Lai được cử ra Ban truyền hình Tiếng Dân tộc để thực hiện nhiệm vụ biên dịch, đọc các chương trình tiếng Jrai phát trên sóng VTV5 từ đầu tháng 7/2004. Lần đầu tiên được ra thủ đô Hà Nội, mọi thứ với chị đều rất mới lạ, từ thời tiết cho đến cách tiếp cận công việc ở Ban.18 năm đã trôi qua nhưng chị vẫn nhớ: " Lần đầu tiên mình đi xa nhà, xa chồng con, trong tuần đầu, tối nào cũng khóc, gọi điện thoại liên tục về nhà và chồng mình đã phải động viên nhiều lắm mới có thể vượt qua được và yên tâm công tác".

Về thủ đô làm truyền hình tiếng dân tộc - Ảnh 2.

Chị Nay H’Ne dẫn chương trình tại hiện trường.

Những sắc màu dân tộc trên trường quay VTV

Để đảm bảo cho các chương trình truyền hình tiếng dân tộc trên sóng VTV5 được đảm bảo liên tục, theo đúng định kì phát sóng, từ khi hòa mạng truyền hình quốc gia, tức là suốt 20 năm qua, lần lượt các biên dịch viên tiếng dân tộc tại các đài PT-TH địa phương trên cả nước cùng hội tụ ở trụ sở đài THVN ở thủ đô Hà Nội trong các kì công tác biệt phái, ngắn thì một vài tháng, dài đến cả năm trời.

Cán bộ, nhân viên của Đài THVN cũng quen với sự hiện diện của các gương mặt dẫn chương trình tiếng dân tộc Khmer, Ê Đê, Ba Na, Xê Đăng, K’Ho, Jơ Rai, Chăm, Thái, Mường, Mông, Tày, Nùng... quen với bóng dáng họ trong các bộ trang phục đầy sắc màu, vội vã lên trường quay kịp ghi hình các bản tin, chương trình dành riêng cho đồng bào dân tộc mình.

Về thủ đô làm truyền hình tiếng dân tộc - Ảnh 3.

Chị Nay H’Ne biên dịch viên, dẫn chương trình tiếng Jrai trên sóng VTV5.

Về Đài THVN trong chuyến biệt phái từ năm 2004, khi đó công nghệ truyền hình còn kém phát triển nhưng với chị Nay H’Ne thì so với đài địa phương đã là một khoảng cách xa. "Có lẽ là lần đầu tiên tôi được trực tiếp chạm tay vào bộ bàn dựng - vì khi đó văn bản nội dung các tin, bài để dịch sang các thứ tiếng dân tộc thiểu số không có sẵn bản word như bây giờ. Anh chị em biên dịch một người bấm máy, tua băng, nghe và đọc lại cho một người chép lại trên văn bản (chép tay) nội dung các phóng sự bằng tiếng Việt, sau đó photo ra cho các biên dịch cùng dịch ra các thứ tiếng dân tộc khác nhau. Rồi đọc dẫn, tôi cũng lần đầu tiên được biết đến cách đọc chữ trên màn hình (đọc kiu) và có lẽ thay đổi lớn nhất là biết sử dụng máy vi tính, vì ở đài địa phương thời đó các biên dịch viên chủ yếu biên dịch tin bài viết bằng tay. Khi trở về đài địa phương, tự mình cảm thấy tiến bộ hẳn, thấy mình đổi mới hẳn"… - biên dịch viên Nay H'Ne chia sẻ.

"Tôi thực sự trưởng thành rất nhiều từ khi đi biệt phái trở về, vì tôi có cơ hội đi công tác nhiều nên cũng tích lũy được kinh nghiệm cho bản thân. Tôi rất biết ơn VTV5, biết ơn lãnh đạo Ban và anh chị em đồng nghiệp tại Đài. Trong chuyến tập huấn làm chương trình tiếng dân tộc ở Đà Nẵng năm 2018, sau 15 năm tôi lại được gặp lại các anh chị, chúng tôi vẫn quý mến nhau như những ngày đầu, rất mong được hội ngộ trong dịp kỉ niệm 20 năm phát sóng VTV5" - Chị Cứ Thị Dung chia sẻ.

Về thủ đô làm truyền hình tiếng dân tộc - Ảnh 4.

Tự hào khi được đồng bào nhớ mặt, biết tên

Ở Đài PT-TH Lào Cai chị Cứ Thị Dung là người đâu tiên làm chương trình tiếng Mông, lần đầu tiên đồng bào chị được nghe tiếng của dân tộc mình, được nhìn thấy con em dân tộc mình nói, họ rất vui và tự hào. Cái tên Cứ Dung cứ thế in sâu vào lòng đồng bào của chị.

"Đi đâu, đến bất cứ tỉnh nào đồng bào nhìn thấy cũng hỏi Tôi nhìn chị/em quen quá hình như đã gặp ở đâu đó rồi, khi nhắc đến tên thì họ nhận ra ngay. Nay làm công tác quản lý, không lên hình nữa, thời gian đầu đồng bào còn hỏi thăm liệu có phải cô Dung ốm không mà không thấy cô xuất hiện trên truyền hình, có người thì hỏi có phải cô Dung đã chuyển công tác không mà không thấy cô trên VTV5 nữa. Đây là những lời động viên quý báu nhất mà tôi có được trong quãng thời gian làm phát thanh viên VTV5" - chị Dung bộc bạch - "Cá nhân tôi rất biết ơn, Đảng Nhà nước đã có những chính sách ưu tiên đến đồng bào dân tộc, để chúng tôi có cơ hội mang tiếng nói của mình làm cầu nối, đưa những chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân một cách nhanh nhất, dễ hiểu nhất. Để đồng bào sớm vận dụng được những chính sách của Đảng vào cuộc sống, từ đó tích cực lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, con em được học hành đầy đủ…".

Cũng như chị Cứ Thị Dung, các biên dịch viên tiếng dân tộc về thủ đô góp sức xây dựng kênh sóng VTV5 đều có chung niềm tự hào khi được đồng bào nhớ mặt, biết tên, coi như người thân trong gia đình. Và, họ vẫn đang nỗ lực cống hiến cho sự phát triển chung của kênh sóng truyền hình quốc gia dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số.

VTV5 20 tuổi - Bước đi chập chững đã vững chãi VTV5 20 tuổi - Bước đi chập chững đã vững chãi Tự sự với VTV5 Tự sự với VTV5 VTV5 - 20 năm một sứ mệnh VTV5 - 20 năm một sứ mệnh

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước