Để các kênh sóng của VTV5 phục vụ tốt đồng bào các dân tộc khắp mọi miền đất nước trong suốt 20 năm qua có sự đóng góp công sức, nỗ lực của cả một tập thể lớn mà khó có thể kể hết trong khuôn khổ bài báo nhỏ này. Nhóm phóng viên đã ghi lại một số tâm sự về nghề như những lời tự sự với VTV5 nhân kỉ niệm 20 năm ngày kênh Truyền hình Tiếng Dân tộc chính thức hòa mạng truyền hình quốc gia.
Tôi được đi nhiều. Tây Bắc, Tây duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, rồi Tây Nam Bộ, địa phương nào có đồng bào dân tộc thiểu số hầu như tôi đã từng được đến. Tới nhiều vùng miền khác nhau, gặp gỡ nhiều người, nhiều dân tộc khác nhau giúp một phóng viên trẻ như tôi trau dồi được hiểu biết nhiều hơn; có nhiều trải nghiệm quý và ngày càng trưởng thành hơn. Tôi và ekip đã từng đi ô tô từ Hà Nội, rong ruổi làm phim tài liệu dọc dài đến tận Kiên Giang. Hay mới đây, ê-kíp chúng tôi đi làm loạt ký sự về bảo vệ rừng với gần 3 tháng tiền kỳ ở 3 miền của đất nước. Ở VTV5, khi phóng viên có ý tưởng hay, khả thi thì đều được lãnh đạo Ban khuyến khích cũng như tạo điều kiện tốt nhất để sản xuất và hoàn thành chương trình một cách tốt nhất.
Tôi được rèn nghề và trưởng thành. Ở VTV5, những phóng viên trẻ như tôi cũng thường xuyên được trao cơ hội tham gia thực hiện các chương trình lớn của Ban. Ban đầu là đi theo, học hỏi rồi dần dần là đứng chủ chương trình. Cơ hội và áp lực giúp phóng viên như tôi trưởng thành nhanh hơn.
VTV5 cho tôi những niềm vui riêng. Đó là đêm cuối năm nằm lạnh cóng ở bản, nửa đêm tỉnh giấc thấy trưởng bản đang đốt bếp củi cho mấy anh phóng viên đỡ lạnh. Là những buổi chia tay bản, bà con lại dúi tặng phóng viên từ củ khoai, buồng chuối, túi cam...
Với bản thân tôi, đó là những niềm vui riêng có, và tôi cũng luôn tự nhủ đó là trách nhiệm, rằng mình cần phải cố gắng, nỗ lực thực hiện nhiều chương trình hay, thiết thực hơn nữa cho bà con vùng dân tộc thiểu số. Tôi nghĩ đó cũng là cách tốt nhất để một phóng viên như tôi góp phần định vị thương hiệu của VTV5, như slogan "Đồng bào ở đâu, VTV5 ở đó".
Tôi sinh ra và lớn ở vùng quê của xã Trà Côn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Tuổi thơ của tôi gắn bó với bà con trong phum sóc. Như nhiều đứa trẻ khác trong xóm, ngoài thời gian học phổ thông, tôi thường đến chùa để học chữ và văn hoá dân tộc mình. Tôi được các sư thầy truyền đạt nhiều kiến thức về văn hoá, ngôn ngữ phong tục tập quán của dân tộc.
Những ngày đầu làm truyền hình, thiếu kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn, tôi đã gặp nhiều khó khăn. Có những lúc, tôi thấy thiếu động lực nên muốn từ bỏ để chuyển công việc khác. May mắn, tôi được làm trong môi trường làm việc thân thiện, được mọi người hỗ trợ cả về mặt tình thần lẫn chuyên môn. Năm 2016, Phòng chương trình tiếng Khmer nơi tôi làm việc chuyển sang trực thuộc Ban truyền hình Tiếng Dân tộc (VTV5 Tây Nam Bộ). Chúng tôi được lãnh đạo Ban tạo điều kiện nâng cao kiến thức, được tham gia thực hiện nhiều thể loại tác phẩm truyền hình hơn.
Phóng viên Thạch Sara Sotheves phỏng vấn ông Thạch Muni - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh.
Kỷ niệm nhớ nhất trong nghề là chuyến công tác thực hiện phóng sự về lễ hội đua bò nhân dịp Lễ Sen Dolta năm 2018 ở An Giang. Dù biết trước là vào trong khu vực đua bò sẽ phải ở lâu chờ tác nghiệp, nên chúng tôi đã chuẩn bị vài chai nước suối, bánh ngọt. Tuy nhiên, do cuộc đua kéo dài đến gần xế chiều nên chúng rất đói và thấm mệt. Dù vậy chúng tôi nhất trí ở lại để canh, quay những khoảnh khắc của các cặp đua, đem về những thước phim đẹp phục vụ khán giả. Lúc đó, một bác nông dân cầm trên tay 2 ổ bánh mì, khều lưng tôi và nói: "Hai cháu ăn đi! Chắc là đói lắm rồi". Cầm trên tay ổ bánh mì, chúng tôi thấy ấm lòng và quên đi sự mệt mỏi để hoàn thành tiếp nhiệm vụ.
Là biên tập - biên dịch viên của VTV5 Tây Nguyên, văn phòng tại Đăk Lăk thường xuyên tác nghiệp ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, tôi cảm thấy thật vinh dự và tự hào khi được góp phần nhỏ bé của mình góp phần vào sự phát triển chung của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.
Tôi sinh ra và lớn lên trên cao nguyên Đăk Lăk - thủ phủ của vùng Tây Nguyên, với những trường ca, sử thi hùng tráng cùng với nét văn hóa đặc sắc, trong đó có cồng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số: Êđê, M’nông, Jarai, Bana, Xê Đăng... Chính mảnh đất này đã rèn cho tôi sự cẩn trọng, chính xác, để cung cấp cho người xem những tin tức kịp thời. Những lần bão lũ, tôi cùng các đồng nghiệp lại xách ba lô lên và đi. Những chuyến đi ấy đã giúp cho tôi trưởng thành hơn trong công việc và cuộc sống.
Với công việc biên dịch tiếng Êđê, tôi luôn muốn chuyển tải nội dung tiếng Việt sang tiếng Êđê bằng cả sự nhiệt huyết, lòng yêu nghề, yêu dân tộc và khát khao cống hiến cho sự phát triển và hội nhập.
Sang năm sẽ là tròn 10 năm tôi gắn bó với Ban Truyền hình Tiếng Dân tộc. Anh em đồng nghiệp trong Ban thường nói vui với nhau rằng, nghề của mình tối ngủ dậy mở mắt ra toàn là rừng với núi. Đôi khi đi nhiều quá cũng thấy mệt, tuy nhiên lâu không được đi là nhớ bản làng, nhớ sự hồn hậu, thuần khiết và nồng ấm của người vùng cao.
Vì thế, đến bây giờ mà nói có vất vả hay không thì thú thực là tôi thấy thú vị nhiều hơn. Những chuyến đi qua một số tỉnh Tây Nguyên và Tây Bắc, chúng tôi được tiếp xúc với những phong tục tập quán tốt đẹp lâu đời của bà con dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, trong những chuyến đi ấy chúng tôi cũng được biết tới những hủ tục lạc hậu đã tồn tại từ rất lâu đời. Những hủ tục đáng sợ đã ám ảnh tôi khá nhiều, đặc biệt khi được gặp chính những nhân vật là người đồng bào dân tộc thiểu số, đã bước qua được những hủ tục đó. Được tiếp xúc với họ, được cảm nhận niềm hạnh phúc của họ khi bước qua được hủ tục lạc hậu đáng sợ kia là một kỷ niệm khó quên trong đời làm nghề của tôi.
Còn nhớ khi ra trường, tôi còn rất non nớt về cả kiến thức về nghề cũng như kiến thức mọi mặt về xã hội, nhưng tôi đã trưởng thành sau mỗi chuyến đi cũng như học hỏi từ anh chị đi trước. Hạnh phúc nhất là được tin tưởng giao việc. Đến thời điểm hiện tại tôi vẫn là quay phim trẻ nhất của Ban.
Ngay năm đầu tiên về VTV5, tôi được giao đảm nhận nhiệm vụ quay toàn bộ cho chương trình về Tết của đồng bào H’Mông ở huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Đây cũng là chuyến đi đáng nhớ nhất của tôi. Lần đầu tiên tôi được cảm nhận và ghi hình trọn vẹn những nghi lễ đón Tết vô cùng độc đáo của đồng bào H’Mông, ghi hình cảnh lễ cúng đón năm mới của các gia đình đến 2-3h sáng, quây quần bên mâm cơm, uống chén rượu mừng xuân với đồng bào. Vui hết mình rồi mượn chăn chiếu của các thầy cô, ngủ tại một lớp học, sáng hôm sau lại tỉnh như sáo, tiếp tục ghi hình lễ hội dựng cây nêu, ném còn, múa khèn...
Năm 2019, tôi có chuyến đi rừng gần 1 tháng thực hiện kí sự xuyên rừng dài 12 tập. Có lẽ đây là chuyến đi công phu, vất vả nhất. Chúng tôi đã có khoảng chục ngày mải miết vác máy leo núi, đi khắp các cánh rừng từ Tà Xùa, Yên Bái rồi ngược vào rừng quốc gia ở Tây Nguyên. Những tưởng đi sâu vào rừng rậm ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là vất vả nhất rồi, nhưng quả thực, tôi không thể quên được chuyến đi ấn tượng vào rừng U Minh ở Cà Mau. Ê-kíp cùng các anh kiểm lâm phải tự mở đường đi, chúng tôi mặc bộ đồ bảo hộ và lội bì bõm trong nước, càng vào sâu trong rừng càng bị lún, nước ngập ngang người. Lại thêm nạn muỗi, chỗ nào hở ra là cả bầy muỗi bâu kín da thịt, cảm giác vốc được muỗi. Vắt thì bám vào bộ đồ bảo hộ...
Quay phim Chu Việt Hùng (phải) và KTV Nguyễn Hoàng Nam trong chuyến tác nghiệp tại Trường Sa.
Kỉ niệm đáng nhớ là cảnh anh em đi dò sóng điện thoại, đi rừng hàng chục ngày không có sóng, nên chúng tôi trèo lên mái nhà, mấy anh em chúi đầu vào một chỗ để gọi điện cho gia đình. Những chuyến đi dẫu vất vả nhưng đó đều là hành trình hạnh phúc - đi để trưởng thành.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!