Cướp biển ở Đông Nam Á nhiều gấp đôi khu vực Somalia

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 07/05/2016 06:57 GMT+7

VTV.vn - Những vụ cướp biển quy mô tại eo biển Malacca và eo biển Singapore khiến 3 nước Indonesia, Malaysia và Philippines phải tiến hành các cuộc tuần tra chung.

Eo biển Malacca ở Đông Nam Á là tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất trên thế giới. Eo biển nối Ấn Độ Dương và vùng Biển Đông này là nơi hơn một nửa số hàng hóa thương mại đường biển trên thế giới đi qua, tương đương hơn 55 triệu tấn hàng hóa và đây cũng là nơi bọn cướp biển hoạt động rất ráo riết.

Không chỉ cướp tàu hàng, cướp biển còn bắt giữ con tin khiến các quốc gia cùng khai thác tuyến hàng hải này rất lo ngại. Trong đó, lực lượng khủng bố cực đoan Abu Sayyaf đang là mối đe dọa lớn với an ninh hàng hải ở khu vực Đông Nam Á. Tháng trước, chúng đã bắt giữ 18 thuyền viên người Indonesia và Malaysia với yêu cầu đòi 1 triệu USD tiền chuộc cho mỗi con tin. 10 con tin đã được thả mà không có bất cứ điều kiện gì nhưng số còn lại vẫn nằm trong tay lực lượng khủng bố.

Câu hỏi hiện nay với Indonesia là liệu có trả tiền chuộc để cứu số thủy thủ còn lại hay không. Nếu họ đáp ứng yêu cầu của Abu Sayyaf thì sẽ tạo thành một tiền lệ nguy hiểm, có thể khiến vùng biển này giống Somalia - nơi phổ biến với nạn cướp biển đòi tiền chuộc.

Tính đến nay, eo biển Malacca đã xảy ra nhiều vụ cướp biển hơn bất cứ khu vực nào trên thế giới khi 41% vụ cướp biển trên thế giới từ năm 1995 đến 2013 xảy ra tại Đông Nam Á, khiến 136 thủy thủ thiệt mạng. Con số này gấp đôi so với khu vực biển Somalia.

Hôm 5/5, các ngoại trưởng và tư lệnh các lực lượng vũ trang của Indonesia, Malaysia và Philippines đã nhất trí tiến hành các cuộc tuần tra phối hợp trên biển nhằm tăng cường an ninh sau khi xảy ra vụ các thuyền viên Indonesia bị các phiến quân tình nghi thuộc nhóm Abu Sayyaf bắt cóc đòi tiền chuộc.

Trong một tuyên bố chung được đưa ra sau khi kết thúc cuộc thảo luận kéo dài nửa ngày tại thành phố Yogyakarta (Indonesia), các bộ trưởng và tư lệnh quân đội đã nhất trí tiến hành các cuộc tuần tra trên biển giữa ba nước bằng việc sử dụng các cơ chế hiện hành. Ngoài việc tuần tra chung, các quan chức hàng đầu chính phủ còn nhất trí thiết lập "đường dây nóng" để phối hợp tốt hơn, cũng như chia sẻ kịp thời thông tin và thông tin tình báo trong các trường hợp khẩn cấp và xuất hiện các mối đe dọa an ninh. Theo tuyên bố chung, ba nước cũng nhất trí tích cực hỗ trợ người và tàu gặp nạn tại các khu vực biển cùng quan tâm.

Trao đổi qua điện thoại trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 6/5, ông Hoàng Anh Tuấn, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia đánh giá việc phối hợp tăng cường an ninh hàng hải giữa ba nước Indonesia, Malaysia và Philippines sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ bất ổn trong khu vực. Bên cạnh đó, sự hợp tác này cũng sẽ tạo ra cơ chế xử lý sự cố trong bối cảnh tàu cá, tàu hàng Việt Nam thường xuyên lưu thông trong khu vực này.

Các tàu của Việt Nam từng là nạn nhân của cướp biển tại khu vực eo biển Malacca. Tháng 10/2014, tàu Sunrise 689 bị tấn công khi đang chở 5.226 tấn dầu từ cảng Horizon, Singapore về cảng Cửa Việt, Việt Nam. Chỉ sau đó 2 tháng, tàu VP ASPHALT 2 với 16 thuyền viên, chở nhựa đường từ Singapore về Việt Nam đã bị cướp biển tấn công, bắn trọng thương thuyền viên.

“Trước đây, khi xảy ra sự cố, chúng ta có hai kênh chính để xử lý. Kênh thứ nhất là thông qua đại sứ quán Việt Nam tại ba nước trên để đề nghị trợ giúp. Kênh thứ hai là Bộ Ngoại giao Việt Nam và trực tiếp là Cục lãnh sự phối hợp Đại sứ quán nơi chúng ta gặp sự cố. Thỏa thuận hợp tác ba bên tăng thêm thuận lợi cho chúng ta khi sự cố xảy ra. Cục lãnh sự có thể làm việc với Trung tâm xử lý khủng hoảng của ba nước trên” - ông Hoàng Anh Tuấn cho biết.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước