NSND Thanh Hoa: Thí sinh Sao Mai đã biết đổi mới

Thanh Huyền-Chủ nhật, ngày 14/07/2013 17:00 GMT+7

 “Qua việc chọn ca khúc biểu diễn, thí sinh Sao Mai 2013 cho thấy đã ít bị lạc dòng hơn các mùa giải trước”, NSND Thanh Hoa nói trong cuộc trò chuyện với VTV News sau đêm CK khu vực miền Trung – Tây Nguyên (13/7).

Với 9 thí sinh xuất sắc đi tiếp vào vòng toàn quốc, chung kết Sao Mai 2013 khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã chính thức khép lại. Để có những góc nhìn chi tiết hơn về đêm CK tại Đà Nẵng vừa qua ( 13/7), VTVNews đã có cuộc nói chuyện ngắn với NSND Thanh Hoa – thành viên BGK của CK Sao Mai khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

‘ NSND Thanh Hoa - vị giám khảo có tâm huyết với SM

Đây có phải lần đầu tiên bà tham gia Sao Mai với vị trí GK?

- Tôi gắn bó với cuộc thi Sao Mai đã nhiều năm nay. Đây là lần thứ hai tôi là GK cho Sao Mai khu vực miền Trung Tây Nguyên. Tôi nghĩ Sao Mai là một cuộc thi âm nhạc có chất lượng tốt, chuyên nghiệp, dù rằng hiện nay có rất nhiều các cuộc thi và sân chơi âm nhạc được tổ chức mỗi năm. Từ cuộc thi này đã chấp cánh cho rất nhiều cho những ngôi sao âm nhạc trong ba dòng nhạc thính phòng, dân gian và nhạc nhẹ.

Bà đánh giá như thế nào về chất lượng thí sinh ở cả ba dòng thi trong đêm CK Sao Mai khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm nay?

- Năm nay các thí sinh tham Sao Mai miền Trung - Tây Nguyên có sự đa dạng, đổi mới hơn. Các em đã có sự chuẩn bị một cách kỹ lưỡng.

So với các kỳ Sao Mai trước, các thí sinh phong cách nhạc thính phòng đã có dành sự nghiêm túc hơn cho việc chuẩn bị phần thi của mình, đặc biệt các em đã có sự đổi mới trong cách xử lý bài hát, giảm bớt đi tính học thuật của thính phòng, khiến người nghe dễ dàng bị thu hút bởi dòng nhạc mang tính hàn lâm này.

Riêng đối với miền Trung, nhiều năm trở lại đây thì dòng nhạc dân gian dường như chiếm ưu thế hơn. Số lượng những thí sinh của khu vực này trong dòng nhạc dân gian có thể đi sâu vào các vòng CK khu vực cũng như toàn quốc có khi chiếm tới 80% tổng số thí sinh. Năm nay, tình hình cũng tương tự như vậy.

Trong đêm CK Sao Mai khu vực miền Trung - Tây Nguyên , bà có đặc biệt ấn tượng với giọng ca xuất sắc nào không?

- Tôi đặc biệt thích giọng ca của hai em Ngô Thị Thanh Huyền của phòng cách nhạc nhẹ và Nguyễn Anh Tuấn của dòng nhạc thính phòng. Hai thí sinh này đã có màn trình diễn rất tinh tế, cách sử lý bài hát mới lạ, đem lại cảm giác thăng hoa đến với giám khảo.

Có thể nói rằng, năm nay, các thi sinh đã ít bị lạc dòng hơn những kỳ Sao Mai trước. Qua việc chọn bài, các em đã thể hiện sự định hình một cách chắc chắn về 3 dòng nhạc là thính phòng, nhạc nhẹ và dân gian.

Dù vậy, cũng có những thí sinh vẫn có sự chuẩn bị còn hời hợt, một phần có thể do người hướng dẫn đã không có sự chỉ dẫn đúng đắn nên các em chưa phát huy hết những khả năng của mình. Vì vậy có tình trạng là những thi sinh thi đến Sao Mai mùa thứ 2, 3 vẫn chưa đạt được thành công.

Bà có lời khuyên nào dành cho các thí sinh bước tiếp vào vòng CK toàn quốc không?

- Giải Sao Mai cũng có thể coi như một bằng tốt nghiệp giúp các thí sinh bước vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp, các em cần có sự nghiêm túc thực sự khi đến với cuộc thi này. Bên cạnh việc luôn luôn giữ vừng ngọn lửa đam mê của mình, các em cũng cần có sự lựa chọn bài và dàn dựng bài một cách kỹ lưỡng và hợp lý. Điều này sẽ giúp các em đến với thành công trong Sao Mai. Tôi chúc các em sẽ có thêm sự may mắn trong vòng thi sắp tới.

Dòng nhạc nào ở Sao Mai mà bà yêu thích nhất?

- Tôi đặc biệt có tình cảm với dòng nhạc dân gian vì đây cũng là dòng nhạc tôi gắn bó cả cuộc đời.

Có ý kiến cho rằng, dòng nhạc nhẹ của Sao Mai có dấu hiệu tản mác vì ngày càng có nhiều cuộc thi trong dòng nhạc này đang được tổ chức, bà nghĩ sao về ý kiến này?

- Tôi cho rằng đây là quan điểm lệch lạc vì tài năng của cả ba dòng nhạc những năm gần đây khá đồng đều, cũng đã có rất nhiều ca sĩ nhạc nhẹ nổi tiếng cũng đã trưởng thành từ Sao Mai. Sao Mai là cuộc thi được chú trọng về mặt chuyên môn cao nên dù là dòng nhạc nào đều được BTC tổ chức một cách kỹ lưỡng.

Đã từng tham gia làm giám khảo của nhiều cuộc thi âm nhạc, bà có thấy sự khác biệt nào giữa những thi sinh tham gia Sao Mai và những thi sinh của các cuộc thi âm nhạc đó không?

- Có thể khẳng định rằng những thí sinh của Sao Mai khác với những thí sinh của các sân chơi âm nhạc khác. Các em đa số đều đến từ các trường đào tạo nghệ thuật, đã có một sự đào tạo căn bản nhất định về kỹ thuật thanh nhạc. Cùng một niềm đam mê âm nhạc, nhưng việc các thí sinh được đào tạo một cách cẩn thận chuyên môn cũng khiến Sao Mai có một giá trị khác so với những các sân khấu âm nhạc đang được tổ chức hiện nay. Đây cũng là lý do làm cho cuộc thi SM có được uy tín như vậy trong làng âm nhạc Việt Nam.

Với những thí sinh đạt được thành công ở giải Sao Mai và có thể khẳng định tên tuổi của mình trong lòng khán giả là không nhiều. Theo bà, những tài năng tỏa sáng tại sân khấu Sao Mai cần làm gì sau cuộc thi này để có được thành công đó?

- Không phải cứ tỏa sáng trên sân khấu Sao Mai thì có thể tỏa sáng ở các sân khấu âm nhạc khác. Những thí sinh Sao Mai cần có tài năng thực sự và sự nỗ lực của chính bản thân hơn nữa để có thể khẳng định tên tuổi của mình đối với khán giả.

Song, tôi nghĩ họ có thể nhìn những tâm gương được coi là đàn anh, đàn chị đã giành được thành công ở Sao Mai. Những ca sĩ như Trọng Tấn, Anh Thơ, Tố Loan đã phải nỗ lực rất nhiều để có thể khằng định tên tuổi của mình …. Tôi nghĩ họ chính là những gợi ý hướng đi cho những thí sinh chiến thắng trong Sao Mai có thể phấn đấu trong sự nghiệp sau này.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước