Văn minh chung cư: "Hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau đã là chuyện thời xưa"

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 03/03/2023 12:40 GMT+7

VTV.vn - Người ta nói "bán anh em xa mua láng giềng gần" nhưng sự đứt gãy về tình cảm cộng đồng tại chung cư khiến cho những mâu thuẫn dù rất nhỏ cũng có thể bùng lên...

Những cư dân sống ở chung cư, đặc biệt là các chung cư có mật độ dân cư đông sẽ có nhiều chuyện bi hài để kể xung quanh cuộc sống hàng ngày. Chung cư ngày càng trở thành lựa chọn của nhiều người dân đô thị, bởi những tiện ích thiết thực mà nó mang lại. Nhưng sống ở chung cư cũng lắm chuyện "dở khóc, dở cười". Văn hóa ứng xử trong môi trường chung cư sẽ là chủ đề của Góc nhìn văn hóa phát sóng hôm nay (3/3).

Một số câu chuyện đã được chia sẻ trên các diễn đàn, trên báo chí như chuyện thiếu ý thức thả chó mèo ở hành lang chung, chen lấn xô đẩy khi đi thang máy, vứt rác, bất lực vì tiếng ồn trong chưng cư, dẫn đến những cuộc xô xát... Có người kể đến giờ ăn là thang máy thành nơi dỗ trẻ, cho trẻ em ấn số tất cả các tầng, đứng chặn cửa chơi trốn tìm... Thức ăn thừa, sữa nước, khăn giấy, thậm chí cả vết nôn của trẻ do bị ép ăn đôi khi rơi rớt hết ra thang. Có người than thở sống ở chung cư tưởng sướng thành khổ.

Dù sống ở nhà mặt đất hay nhà chung cư, ai cũng cần có ý thức vì cái chung, biết tôn trọng và suy nghĩ cho những người xung quanh. Nhưng với chung cư, điều này lại càng quan trọng hơn, bởi mỗi tòa chung cư có 2 phần không gian sống. Một phần nằm trong diện tích nhà, không gian sinh hoạt riêng tư của mỗi gia đình. Đây là không gian bất khả xâm phạm. Một phần là không gian chung, như hầm để xe, sảnh chung cư, thang máy, hành lang, khu vực đổ rác..., các cư dân trong tòa nhà đều sử dụng, tùy theo quy định của Ban Quản lý hoặc Ban Quản trị.

Các va chạm dễ xảy ra ở không gian chung, đặc biệt nếu cư dân thiếu ý thức. Những chuyện như chiếm dụng hành lang để đồ cá nhân, để trẻ nô đùa ầm ĩ tại sảnh và thang máy, xả rác, nhổ nước bọt, bã kẹo cao su ra không gian chung xảy ra ở không ít chung cư... Nếu không được giải quyết tốt, những vấn đề này có thể gây mâu thuẫn, xích mích giữa các cư dân trong tòa nhà, thậm chí trong một số trường hợp có thể phát sinh xung đột.

Theo các chuyên gia kiến trúc đô thị, chung cư ngày nay chỉ mới đảm bảo được việc xây dựng các căn hộ, chưa chú trọng đến các không gian cộng đồng. Một cộng đồng dân cư đông đúc nhưng thiếu gắn kết chặt chẽ, mạnh ai nấy sống.

"Các khu đô thị ở chung cư là lớp người trẻ, những người có tri thức. Vậy chính họ phải là tinh hoa, họ phải dẫn dắt để xây dựng văn hóa mới thì hiện lại không làm được. Con người ào ào đi rồi về và đóng cửa lại… Ở một quần cư thiếu tính gắn kết thì con người sẽ có sự méo mó trong lối sống, tính ích kỉ bắt đầu xuất hiện, cái suy nghĩ cực đoan trong lối sống bắt đầu xuất hiện", ông Phạm Thanh Tùng chia sẻ.

Chung cư là loại hình nhà ở có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Tại Hà Nội, trong 10 năm kể từ 2010-2020, số lượng căn hộ chung cư tăng gấp 4 lần. Thế nhưng, loại hình này thực ra khá mới mẻ ở Việt Nam. Trong lịch sử phát triển nhà ở của người Việt, từ "chung cư" mới chỉ xuất hiện những năm gần đây. Còn trước đó, ở miền Bắc, người ta chỉ biết đến khái niệm nhà ở tập thể, được xây dựng cho những người làm việc cùng cơ quan...

Với quy mô dân cư đông hơn các loại hình nhà ở khác, không gian chung rộng hơn, lại thu hút người dân ở khắp các vùng miền đổ về sinh sống, loại hình nhà ở chung cư đòi hỏi cư dân phải có ý thức tốt, văn hóa sống, phong cách sống phù hợp, trên cơ sở tôn trọng những người xung quanh. Tuy nhiên, không phải cư dân nào cũng có được ý thức, thói quen sống này. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, để xây dựng môi trường văn hóa tại các khu chung cư, cần có những quy định, nội quy được xây dựng chi tiết, đầy đủ, với sự thống nhất của toàn bộ cư dân. Một Ban quản lý chuyên nghiệp, một Ban Quản trị công tâm, biết cách xử trí hợp lý, hợp tình trong các tình huống cụ thể. Đồng thời, tổ chức được nhiều hoạt động gắn kết cộng đồng, để người dân cùng tham gia xây dựng nếp sống văn hóa trong chung cư của mình.

"Nhà đầu tư, các nhà quy hoạch, các nhà quản lý phải nghĩ rằng người ta sống ở đó sẽ như thế nào. Ở đó phải là nơi họ sống hạnh phúc, nơi đó là nơi đáng sống vì họ được quyền hưởng thụ những cái họ bỏ ra, để họ có không gian giao tiếp, cộng đồng gắn kết và được sống nhân văn hơn", ông Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết.

Không thể phủ nhận sự cần thiết của loại hình nhà ở chung cư tại các đô thị Việt Nam hiện nay. Kề từ khi tòa chung cư đầu tiên xuất hiện vào những năm 90 của thế kỉ trước,với kiến trúc mang phong cách mới, được quy hoạch đồng bộ từ công trình đến hạ tầng kỹ thuật…, chung cư cao tầng đã nhanh chóng tạo nên một hình ảnh hiện đại, ấn tượng của kiến trúc Việt Nam thời mở cửa, đồng thời là không gian sống, với các tiện ích đáng mơ ước như bể bơi, sân chơi, siêu thị mua sắm gần kề... cho nhiều gia đình ở các đô thị đất chật người đông. Chính vì thế, khi ngày càng có nhiều người lựa chọn chung cư để sinh sống, làm không gian sống của gia đình, câu chuyên về xây dựng lối sống văn hóa, cách ứng xử văn minh chung cư lại càng trở nên quan trọng. Bởi thêm mỗi cộng đồng dân cư văn minh, là góp phần xây dựng một đô thị văn hóa, văn minh, đảm bảo an ninh trật tự chung cho xã hội.

Xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa chung cư: Liệu có dễ? Xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa chung cư: Liệu có dễ?

VTV.vn - Việc xây dựng các quy tắc ứng xử văn hóa tại chung cư rất cần thiết bởi đây là môi trường sống mới phù hợp với xu thế phát triển.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước