Từ rất sớm, nhiều đoàn hành hương ở các tỉnh đã đổ về khu Di tích Tháp Bà Ponagar, mang theo nhiều lễ vật để tiến hành các nghi thức dâng Mẫu. Các lễ vật truyền thống thường gồm có: gà, rượu, gạo, trái cây…
Nếu như thời điểm trước dịch, người hành hương thường sẽ lưu lại tại các lều trại ở Tháp Bà khoảng 2 - 3 ngày để tham dự tất cả các nghi thức, nghi lễ thì 2 năm gần đây, thời gian hành hương cũng rút ngắn xuống.
Uớc tính năm nay, lễ hội Tháp Bà Ponagar sẽ đón khoảng 70.000 lượt người dân, du khách và khách hành hương. Để đảm bảo không tập trung quá đông người tại lễ hội, các đoàn hành hương sẽ phải đăng ký trước với Ban quản lý để sắp xếp thời gian vào dâng lễ Mẫu. Đặc biệt năm nay, sau khi tham gia xong phần lễ, các đoàn còn được tham gia phần hội như: hát, múa...để dâng lên Mẫu.
Lễ hội Tháp Bà Ponagar là lễ hội lớn ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, gắn liền với truyền thuyết và tục thờ nữ thần Thiên Y A Na - bà mẹ xứ sở của đồng bào Việt, Chăm ở các tỉnh, thành miền Trung. Đây cũng là một sự kiện văn hóa nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm khôi phục hoạt động du lịch của tỉnh Khánh Hòa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!